Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong năm 2024, thặng dư thương mại của nước này đã đạt 992 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước và phá vỡ kỷ lục của năm 2022. Trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 2,3%, kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh 7,1%, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường quốc tế.
Ông Wang LingJun - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết: "Trong năm 2024, Trung Quốc đã ghi nhận sự nổi lên của các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới trong hoạt động thương mại quốc tế. Nhiều sản phẩm công nghệ cao đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài với tốc độ nhanh hơn như xe điện, máy in 3D và robot công nghiệp, đạt tốc độ tăng trưởng cao".
Hoạt động xuất khẩu đã liên tục được đẩy mạnh trong thời gian qua, khi các công ty chuẩn bị cho khả năng căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng. Chỉ riêng trong tháng 12, kim ngạch xuất khẩu đạt 336 tỷ USD, tăng gần 11% và đạt mức cao thứ hai trong lịch sử. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong những tháng tới.
Bà Jing Liu - Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc, Ngân hàng HSBC đánh giá: "Tôi nghĩ một số nhà xuất khẩu đã và đang đẩy nhanh tiến độ giao hàng nhằm tránh mức thuế cao hơn trong tương lai. Điều này đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và cả lĩnh vực sản xuất, với chỉ số PMI liên tục vượt ngưỡng 50 trong thời gian gần đây".
Ảnh minh họa - Ảnh: Xinhua.
Các nhà kinh tế dự kiến xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong tương lai gần, nhưng triển vọng cả năm 2025 có thể kém lạc quan hơn, do áp lực từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là khi chính quyền mới tại Mỹ áp dụng thuế suất cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc.
"Năm 2025, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể chậm lại do sự không chắc chắn về chính sách thương mại. Đối với Trung Quốc, xuất khẩu ròng, có thể đóng góp khoảng 1,1 điểm % tăng trưởng GDP trong năm 2024. Nhưng sang năm 2025, xuất khẩu ròng chậm lại có thể ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng", bà Jing Liu - Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc, Ngân hàng HSBC đánh giá.
Sức ép từ căng thẳng thương mại có thể buộc doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường mới, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo Trung Quốc cần tập trung nhiều hơn cho việc thúc đẩy nhu cầu nội địa khi các động lực tích cực từ bên ngoài chững lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!