Trong giai đoạn cao điểm này, ưu tiên của thành phố Hồ Chí Minh là không để gián đoạn nguồn hàng, tồn ứ hàng hóa hoặc tăng giá hàng hoá bất hợp lý. Hơn 8.000 tỷ đồng là nguồn vốn mà các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh dành cho việc chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường Tết. Sản lượng chiếm 25- 43% thị phần. Giá trong chương trình bình ổn đảm bảo thấp hơn 5% so với giá ngoài thị trường. Ban quản lý các chợ và doanh nghiệp phân phối cho biết, đã có kịch bản ứng phó trong trường hợp hàng hoá biến động những ngày cận Tết.
Ông Ngô Văn Hà - Trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Bà con cũng không tích trữ hàng hoá nhiều. Bây giờ hàng hoá nhà cung cấp rất nhiều, sản phẩm tối nay gọi mai tới. Chợ hoạt động đến 21-22h, những đêm cuối cùng hoạt động đến 24h để người tiêu dùng ghé bất cứ lúc nào cũng có sản phẩm".
Ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc Thương mại MM Mega Market Việt Nam chia sẻ: "Thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa chấp nhận bất cứ sự tăng giá nào cho sản phẩm hàng tiêu dùng phục vụ cho Tết, đặc biệt là nhóm bánh kẹo. Đây cũng là một trong những cam kết của doanh nghiệp".
Sức mua tăng trưởng đúng dự đoán của nhiều hệ thống phân phối với mức tăng từ 10-15% so với cùng kỳ
Theo đánh giá Bộ Công thương, Thành phố đã có sự chuẩn bị kỹ nguồn hàng, đảm bảo ổn định giá cả, ưu tiên hàng Việt Nam trong giỏ hàng Tết. Ngành chức năng sẽ phối hợp với doanh nghiệp để có phương án cân đối cung cầu, tránh tồn ứ hàng hoá.
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: "Nếu có sự khan hiếm một mặt hàng nào đó của tỉnh thành thì chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với các nhà cung cấp, với các tỉnh thành kề cận để có giải pháp điều phối. Đối với các doanh nghiệp, họ cũng đã có kế hoạch, đối với hàng hoá dư thừa, họ sẽ trữ lạnh, dùng để sản xuất. Khi hàng khan hiếm, họ cũng có giải pháp để trữ hàng".
Thời điểm này, sức mua đang tăng trưởng đúng dự đoán của nhiều hệ thống phân phối với mức tăng từ 10-15% so với cùng kỳ. Người tiêu dùng có tâm lý lạc quan hơn trong chi tiêu, mua sắm Tết.
Chị Bùi Thu Hằng - TP. Hồ Chí Minh tâm sự: "Tôi thấy hàng hoá khuyến mãi khá phong phú, chương trình hấp dẫn nên tôi mua toàn nhiều. Vừa giảm giá, khuyến mãi lại vừa được giảm thêm VAT nên thu hút người tiêu dùng hơn".
Bà Nguyễn Thị Tư - TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Thấy người ta cũng đi mua sắm rất nhiều, hàng hoá nhiều, rẻ hơn các chỗ. Nên trước sau gì cũng mua, tôi chọn đi mua sớm".
Sự phấn khởi trong mua sắm này đã mở ra kỳ vọng về doanh thu Tết tăng trưởng trên 10% của nhiều doanh nghiệp, người bán hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!