Tết Qúy Mão 2023: Mua sắm tiết kiệm, chi tiêu hiệu quả

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 14/01/2023 07:00 GMT+7

VTV.vn - Biến động kinh tế đã tác động tới "túi tiền" và thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng. Quan niệm "Mua sắm thoải mái vì Tết mỗi năm chỉ có 1 lần" đã không còn.

Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa Tết

Hiện là thời điểm sức mua hàng hóa Tết tăng mạnh nhất. Năm nay, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống đã dự trữ số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết từ rất sớm, tăng 10 - 12% so với Tết năm trước. Hàng hoá dồi dào, giá cả được kiểm soát chặt chẽ là lý do khiến thị trường càng trở nên sôi động. Đáng mừng là hàng Việt chất lượng cao đang chiếm ưu thế trên các kệ hàng.

Theo ghi nhận tại một siêu thị, hơn 90% hàng hoá phục vụ Tết là hàng Việt Nam và được bày ở khu vực trung tâm để người tiêu dùng dễ mua sắm. Hàng hoá đa dạng, phong phú, bắt mắt, giá phải chăng là lý do khiến giỏ hàng của người tiêu dùng năm nay, hàng Việt chiếm ưu thế. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, đạt chứng nhận OCOP được người tiêu dùng đón nhận.

Chị Đinh Thị Mai - TP Hồ Chí Minh cho hay: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà. Sản phẩm địa phương tôi thấy giá cả phù hợp, mẫu mã đẹp".

"Hàng Việt giá phải chăng lắm, mẫu mã có cải tiến. Tôi thích hàng Việt vì thấy nó an toàn", chị Văn Thị Thu Vân - TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Tết Qúy Mão 2023: Mua sắm tiết kiệm, chi tiêu hiệu quả - Ảnh 1.

Các mặt hàng Việt Nam đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.

Nhà bán lẻ này cho biết, nhóm hàng Việt Nam được ưu tiên nhập tăng gấp đôi so với ngày thường. Chủ yếu là gia vị, nhu yếu phẩm, bánh kẹo, nước giải khát… Sự quan tâm của người tiêu dùng gia tăng khiến doanh nghệp lạc quan với mục tiêu tăng trưởng trên 20% trong mùa mua sắm Tết.

Sức mua tăng, giúp các doanh nghiệp có mùa sản xuất thành công. Ngành Công Thương nhận định, sau nhiều năm nỗ lực thay đổi, các mặt hàng Việt Nam đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán, chiếm lợi thế trên "sân nhà".

Chi tiêu hợp lý trong mùa Tết

Biến động kinh tế trong năm qua đã tác động tới "túi tiền" và thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng. Quan niệm "Mua sắm thoải mái vì Tết mỗi năm chỉ có 1 lần" đã không còn. Thay vào đó, người dùng có xu hướng lên kế hoạch chi tiêu hiệu quả hơn.

Dành tối đa 10 triệu đồng để mua sắm Tết, nhưng chị Trâm dự định sẽ chỉ tiêu hết 8 triệu đồng. Phần lớn ngân sách dành để mua thực phẩm đặc trưng mùa Tết, trang trí nhà cửa. Năm nay, giá cả ổn định, chị cũng tiết kiệm được nhiều hơn.

Chị Nguyễn Phan Bảo Trâm, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Mua sắm tiết kiệm hơn và cân nhắc những gì cần mua. Thịt đông lạnh, cá đông lạnh mua ít lại. Các khoản mua sắm quần áo cũng hạn chế lại".

Lên danh sách hàng hoá cần mua, ưu tiên đồ dùng thiết yếu, bỏ bớt hàng hoá có tính chất xa xỉ, so sánh giá để có lựa chọn tốt nhất hoặc tận dụng các đợt giảm giá trước Tết là ưu tiên của nhiều người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tích cực thanh toán không tiền mặt, tăng mua sắm trên thương mại điện tử, kênh bán hàng online… cũng là giải pháp để chi tiêu hợp lý hơn.

Linh hoạt phục vụ, mở rộng bán hàng đa kênh để "kéo" sức mua

Dự đoán trước sức mua, thói quen mua sắm, nên các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị hàng hoá rất sớm, từ thời điểm giữa năm. Tại các điểm bán hàng, rất dễ nhận thấy chủ yếu là nhu yếu phẩm, hàng hoá đặc trưng Tết, ngay cả giỏ quà Tết năm nay, giá cả cũng vừa phải. Thêm vào đó, các nhà bán lẻ cũng linh hoạt thời gian phục vụ, mở rộng bán hàng đa kênh trong tuần cuối cùng của năm âm lịch để kéo sức mua.

Thị trường hàng hoá Tết đang sôi động từng ngày, các siêu thị cho biết, có những thời điểm, sức mua tăng 3 - 4 lần so với bình thường. Để người dân thuận tiện mua sắm, tránh ùn ứ, các siêu thị đã đồng loạt thay đổi thời gian phục vụ, mở cửa sớm hơn, đóng cửa muộn hơn.

Hầu hết các siêu thị chọn phương án hoạt động từ 7h - 23h, duy trì đến 29 Tết. Chỉ nghỉ bán vào ngày 1 Tết. Riêng hệ thống siêu thị MM Mega Market miền Nam mở cửa 24/24h trong cao điểm Tết.

Tết Qúy Mão 2023: Mua sắm tiết kiệm, chi tiêu hiệu quả - Ảnh 2.

Ngành Công Thương kỳ vọng mùa Tết năm nay, sức mua sẽ tăng 15% so với năm ngoái và hơn 30% so với ngày thường. Ảnh minh họa.

Bán hàng đa kênh cũng phát huy hiệu quả trong dịp này. Ngoài phục vụ mua sắm Tết, nhà bán lẻ còn sử dụng kênh bán hàng trực tuyến để cung cấp dịch vụ giao giỏ quà Tết miễn phí. Sức mua trên nền tảng trực tuyến đã tăng trưởng trên 30%.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, để duy trì sức mua, các nhà bán lẻ đang chia sẻ lợi nhuận của mình với người tiêu dùng bằng các chương trình bán hàng không lợi nhuận, giảm giá 10 - 50% nhiều sản phẩm.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: "Với nguồn hàng các doanh nghiệp chuẩn bị, có giải pháp dự phòng trong trường hợp có biến động. Các doanh nghiệp cũng thêm các điểm hàng lưu động để tăng cường cho các khu vực có sự đột biến. Thị trường trên bình diện chung sẽ ổn định và đảm bảo nguồn cung".

Ngành Công Thương kỳ vọng mùa Tết năm nay, sức mua sẽ tăng 15% so với năm ngoái và hơn 30% so với ngày thường.

Trong tuần mua sắm cao điểm, được biết các tổ công tác của ngành Công Thương được tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế hàng gian, hàng giả, kém chất lượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước