Trong thông báo phát đi, đại diện truyền thông của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd - chủ sở hữu nền tảng thương mại điện tử Temu - thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn) đã thực hiện nộp hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hành rà soát và yêu cầu Temu bổ sung hồ sơ. Đến nay, Temu đã nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung lần 02, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang trong quá trình xem xét nội dung hồ sơ theo quy định về thương mại điện tử.
Trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, Temu đã thực hiện một số yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương. Cụ thể:
Tạm dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam (không sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt khi cung cấp dịch vụ trên website Temu.com và ứng dụng di động Temu).
Có cảnh báo với người tiêu dùng về việc đang trong quá trình đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương. Cảnh báo này để người tiêu dùng biết đây là website, ứng dụng chưa được Bộ Công Thương cấp phép và cần thận trọng khi thực hiện giao dịch.
Gỡ bỏ các chương trình khuyến mại chưa tuân thủ quy định pháp luật về xúc tiến thương mại theo pháp luật của Việt Nam. Toàn bộ các sản phẩm, hàng hoá có khuyến mại trên 50% được gỡ bỏ theo quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại và pháp luật có liên quan khác.
Bỏ các chương trình, mô hình kêu gọi người dùng tham gia kinh doanh để được hưởng các khoản thưởng và hoa hồng khác nhau tại thị trường Việt Nam.
Temu dừng bán tại Việt Nam, khách hàng có được hoàn tiền?
Đối với trường hợp đã thanh toán đơn hàng trên Temu phiên bản tiếng Việt mà chưa nhận được hàng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết người tiêu dùng có thể hủy đơn hàng và yêu cầu hoàn tiền đối với đơn hàng đã đặt trước đó.
Theo đại diện Công ty Luật TNHH Youme, nếu Temu thực sự ngừng kinh doanh tại Việt Nam, có nguy cơ người mua mất hàng và mất tiền đã chuyển.
Điều này phụ thuộc vào sự thiện chí của Temu. Nếu Temu cam kết hoàn tiền và mong muốn sau này sẽ đăng ký hoạt động chính thức, có giấy phép tại Việt Nam thì có thể họ sẽ hoàn tiền cho những khách đã mua hàng.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, trước đó, Bộ Công Thương đã khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bởi lẽ, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa hoàn thiện nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.
Trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt một số khó khăn. Chẳng hạn, khi nhận được sản phẩm không đúng như mô tả, phát sinh lỗi, hỏng; có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe... người tiêu dùng yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm sẽ trở nên khó khăn.
Thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý trong nước...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!