Đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ vượt dầu khí
Chiến sự tại Ukraine đang bước sang tháng thứ 9, kéo theo nhiều tác động về kinh tế, đặc biệt liên quan đến giá năng lượng. Chưa bao giờ các từ khóa như: an ninh năng lượng, chuyển dịch năng lượng xanh, năng lượng tái tạo lại xuất hiện nhiều trên bàn nghị sự tại các cuộc họp từ cấp độ quốc gia tới toàn cầu.
Trong báo cáo mới nhất của của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, có trụ sở tại Na Uy, lần đầu tiên trong lịch sử, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo vượt các dự án dầu mỏ và khí đốt trong năm 2022.
Cụ thể, nguồn vốn đầu tư được rót vào các dự án năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể lên 494 tỷ USD vào năm nay, vượt xa mức đầu tư 446 tỷ USD vào các hoạt động thăm dò, khoan và khai thác dầu khí.
Rystad Energy cho rằng, việc giá điện ngày một gia tăng sẽ rút ngắn thời gian hoàn vốn của các dự án năng lượng tái tạo xuống còn 12 tháng hoặc ít hơn tại một số quốc gia như Đức, Pháp, Italy và Anh.
Châu Âu tăng tốc chuyển dịch năng lượng xanh
Giá khí đốt leo thang do Nga cắt giảm nguồn cung sang thị trường châu Âu đã khiến giá điện bán buôn có thời tăng gấp 10 lần. Hệ quả là hóa đơn năng lượng của EU dự kiến sẽ tăng 2.000 tỷ USD từ nay đến năm 2023.
Tính đến tháng 9, điện năng được sản xuất từ gió và mặt trời tại Liên minh châu Âu đã chiếm tới 1/4 tổng sản lượng điện. (Ảnh minh họa - Euronews)
Rõ ràng, tại châu Âu lúc này, vấn đề năng lượng đang là bài toán đau đầu khi mùa Đông đang tới gần. Khí đốt sưởi ấm vừa đắt vừa thiếu.Nhiều nước đã đưa ra cảnh báo thiếu điện hay cắt điện luân phiên. Chuyển dịch năng lượng xanh sẽ là một giải pháp quan trọng mang tính chiến lược.
Hiện EU đang phải "cai bầu sữa năng lượng" từ Nga. Ở cấp ở toàn liên minh, chuyển dịch năng lượng tái tạo sẽ là chính sách càng phải ưu tiên hàng đầu để.
Chiến lược của châu Âu
Từ 20 năm nay, cơ chế tính giá điện bán buôn ở châu Âu đã được thiết kế theo hướng thúc đẩy đầu tư vào các nguồn năng lượng bền vững. Phong điện và quang điện đã phát triển mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua,tăng tốc kể từ đầu năm nay, trước nhu cầu tự chủ năng lượng.
Tính đến tháng 9, điện năng được sản xuất từ gió và mặt trời tại Liên minh châu Âu đã chiếm tới 1/4 tổng sản lượng điện, còn nếu tính tất cả các nguồn năng lượng sạch thì tỷ trọng đã vượt mức 37%.
Lượng điện tăng thêm trong nửa năm trở lại đây (từ tháng 3 đến hết tháng 9) nhờ sức gió và mặt trời đã tương đương với việc tiết kiệm 99 tỷ Euro nhập khẩu khí đốt.
Khó khăn khi thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh
Các nước châu Âu tuy làm chủ được công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, nhưng vẫn phải nhập khẩu một số kim loại hiếm để chế tạo tấm pin mặt trời và một số cấu kiện turbin gió.
Nhu cầu phải tích trữ điện năng trong những ngày nhiều nắng, nhiều gió, để lấy ra dùng khi sản lượng giảm cũng vẫn phải lệ thuộc bên ngoài, do việc chế tạo các hệ thống lưu trữ điện cũng cần đến những nguyên liệu mà châu Âu không có. Những vấn đề đó đã được thảo luận nhiều trong những tháng qua, cùng lúc với nỗ lực đầu tư vào các nguồn năng lượng mà châu Âu có thể tự chủ hoàn toàn, như thủy điện, địa nhiệt..., đó cũng là những nguồn năng lượng tái tạo không phát thải khí dioxit carbon.
ASEAN tăng tốc chuyển đổi năng lượng tái tạo
Quá trình chuyển dịch năng lượng "từ nâu sang xanh" cũng đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể tại khu vực ASEAN và Việt Nam là 1 trong 10 nước thành viên.
Số liệu mới nhất cho thấy, 40% năng lượng tại ASEAN là nhập khẩu, chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt, than đá. Do vậy, giá năng lượng cao đã tác động đáng kể tới nhiều nền kinh tế. Chuyển đổi năng lượng sạch tất yếu trở thành xu hướng mạnh mẽ khi nhu cầu năng lượng tại ASEAN dự báo sẽ tiếp tục gia tăng khi đây là trung tâm sản xuất của thế giới.
Ở cấp độ toàn khu vực, ASEAN đã đặt mục tiêu là đảm bảo 23% nguồn năng lượng sơ cấp sẽ đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2025.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, đến năm 2050, các nước Đông Nam Á có thể giảm tới 160 tỷ USD chi phí năng lượng nhờ chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện cả khu vực đang tăng tốc để chuyển đổi xanh.
Việt Nam đang vươn lên dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ điện gió, điện mặt trời với hơn 27% tổng công suất phát điện.
Năm 2021,Việt Nam trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 trên thế giới và là thị trường lớn thứ 3 toàn cầu về lắp đặt công suất điện gió ngoài khơi mới, chỉ sau Trung Quốc và Vương quốc Anh.
Việt Nam đang vươn lên dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ điện gió, điện mặt trời với hơn 27% tổng công suất phát điện. (Ảnh: TTXVN)
"Đối với điện gió ngoài khơi, Việt Nam có tiềm năng lớn nhất ở châu Á. Việt Nam cũng có nền kinh tế phát triển nhanh, đồng nghĩa với việc nhu cầu điện năng cũng sẽ tăng. Điều này khiến cho Việt Nam trở thành một nơi hấp dẫn cho đầu tư năng lượng điện gió", Giám đốc Quốc gia Công ty Orsted tại Việt Nam Sebastian Hald Buhl đánh giá.
Hiện công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo tại Thái Lan đạt mức trên 15 gigawatt, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng điện năng của nước này và dự báo có thể tăng gấp 4 lần vào năm 2030.
"Đây là dự án đầu tiên và lớn nhất thế giới kết hợp thủy điện và điện mặt trời. Ở đây có 144.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt, diện tích tương đương 70 sân bóng đá", Phó Thống đốc Cơ quan Phát điện Thái Lan Prasertsak Cherngchawano cho biết.
Trong khi đó, Malaysia cũng đặt mục tiêu đưa công suất lắp đặt năng lượng tái tạo lên mức 18.000 megawatt và chiếm 40% tổng công suất điện vào năm 2035. Nước này cũng đang lập kế hoạch xây dựng 3 hòn đảo sử dụng 100% từ nguồn năng lượng tái tạo.
Một mục tiêu quan trọng của Indonesia - quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới hiện nay, là giảm dần phụ thuộc và tiến tới loại bỏ điện than, vốn đang chiếm tới 60% nguồn cung cấp điện năng của nước này.
"Chúng tôi đang giới thiệu cơ chế chuyển đổi năng lượng, có nghĩa là chúng tôi sẽ loại bỏ điện than sớm hơn, có thể là vào năm 2040. Tuy nhiên, để làm được điều đó chúng tôi cần có kinh phí và tăng năng suất năng lượng tái tạo", Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho hay.
Các nhà máy điện than yêu cầu phải giảm 35% lượng khí thải trong vòng 10 năm và chỉ được cấp phép tới năm 2050. Nước này cũng ban bố quy định mới về đánh thuế carbon, cũng như siết chặt việc khai thác và xuất khẩu than đá để giảm phát thải nhà kính.
Những diễn biến khó lường trên thị trường năng lượng hiện nay đã, đang và sẽ khiến nhiều nền kinh tế vốn phụ thuộc nhập khẩu xăng dầu, khí đốt càng phải coi chuyển dịch sang năng lượng xanh là ưu tiên sống còn. Sản lượng điện gió và điện mặt trời tăng kỷ lục trong 6 tháng qua là minh chứng cho xu hướng này.
Các chuyên gia cho rằng, trật tự năng lượng mới hiện nay về ngắn hạn có thể nghiêng về những nước sở hữu nhiên liệu hóa thạch, song trong dài hạn chinh phục công nghệ về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo mới là người chiến thắng cuối cùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!