Nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhu cầu từ các thị trường nước ngoài đều tăng đang thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã đẩy mạnh vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng. Điều này giúp không ít ngân hàng hiện đã có mức tăng trưởng tín dụng lên đến 15%, cao gấp đôi mức bình quân toàn ngành. Nhiều giải pháp tăng cung ứng vốn đã được hệ thống ngân hàng áp dụng để nâng cao năng lực tài chính đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm.
Theo công ty dữ liệu tài chính Wigroup, các ngành sản xuất như nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng và công nghiệp đã vay thêm gần 35.000 tỷ đồng trong 8 tháng qua. Nhu cầu mở rộng kinh doanh tăng là điều dễ hiểu khi chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất của Việt nam đã có nhiều tháng tăng liên tiếp.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho hay: "Chỉ số PMI 3 tháng liên tiếp đều ở mức 52, 53, 54, đây là mức cao và ghi nhận mức hồi phục mạnh so với cùng kỳ, rõ ràng sản xuất, tiêu dùng, thương mại trong nước đang hồi phục tích cực và là yếu tố chính giúp cầu tín dụng gia tăng".
Ngân hàng Nhà nước sẽ tự động nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với những ngân hàng đạt từ 80% chỉ tiêu đã phân bổ hồi đầu năm nay. Ngoài ra, các ngân hàng có mức tăng trưởng cao còn gia tăng thêm nguồn vốn từ các kênh khác như chia cổ tức, phát hành cổ phiếu hay huy động thêm dòng vốn ngoại có lãi suất thấp.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết: "Chúng tôi đang tiếp xúc với một số các tổ chức tài chính của các chính phủ như ở Mỹ, châu Âu để có thể huy động được lượng vốn lớn từ các thị trường nước ngoài với lãi suất ở mức hợp lý".
Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp cũng đang dịch chuyển từ vay ngắn hạn sang vay trung và dài hạn, nên ngoài việc thu hút tiền gửi của người dân và doanh nghiệp hơn 230.000 tỷ đồng, thì ngân hàng còn huy động thêm nguồn vốn dài hạn từ các giấy tờ có giá khác.
Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MBBank cho hay: "Vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ được là 30%, để cung ứng nguồn vốn dài hạn cho thị trường thì chúng cần phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi, nhà đầu tư có thể bán lại mọi lúc, mọi nơi với giá và lãi suất tốt hơn lãi suất tiền gửi".
Tính đến hết tháng 8 các ngân hàng cũng đã phát hành gần 180.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn không chỉ giúp các ngân hàng đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm, mà còn đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn cho chính ngân hàng.
Các số liệu kinh tế 8 tháng vừa qua đang mở ra kỳ vọng cho tăng trưởng những tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì đà tích cực. Theo đó cần tiếp tục đẩy mạnh làm mới 3 động lực tăng trưởng là: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, trong đó tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh kích cầu trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!