Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 07/06/2024 16:21 GMT+7

VTV.vn - Thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh thường xuyên phát sinh các mô hình mới, phương thức mới, vì thế để quản lý chặt chẽ, hiệu quả thuế cho hoạt động này cũng sẽ cần

Tăng cường quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 56 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Để đảm bảo hiệu quả quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan.

Tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hiện và xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử; kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử. Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức, triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người kê khai, nộp thuế; tối ưu hóa quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử; tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế, chống thất thu thuế, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế, hải quan trong hoạt động thương mại điện tử.

Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định. Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các ngành, tăng cường trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan để phục vụ quản lý hoạt động thương mại điện tử, áp dụng các công nghệ hiện đại; đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, chuyển cơ quan chức năng những trường hợp vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng - Ảnh 1.

Tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử

Quản lý thuế thương mại điện tử

Thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh thường xuyên phát sinh các mô hình mới, phương thức mới, vì thế để quản lý chặt chẽ, hiệu quả thuế cho hoạt động này cũng sẽ cần có các biện pháp mới.

Ông Lê Hải Vũ - CEO công ty công nghệ Velaboost đưa ra một ví dụ: "Trong phiên live ngày hôm nay, chiếc bàn chải điện chỉ có mức giá 399.000 đồng và dành cho 10 người nhanh tay nhất".

Đó chính là lý do mà các phiên livestream được rất nhiều người quan tâm thời gian gần đây. Một chiếc bàn chải có giá 700.000 đồng tuy nhiên chỉ có 399.000 đồng trên live.

Ông Lê Hải Vũ - CEO công ty công nghệ Velaboost chia sẻ: "Nếu như con số công bố có thể sẽ nhiều hơn nhưng thực tế sẽ thấp bởi vì tôi chỉ sale 10 sản phẩm nhưng số lượng khi đặt hàng sẽ phải mua giá cao hơn, chắc chắn họ sẽ hủy đi, dao động khoảng 15-20%".

Giảm giá, đẩy sale là nhưng thủ pháp thường thấy trên thương mại điện tử nhằm thu hút người xem và kích thích tạo đơn hàng. Vì vậy, theo các chuyên gia, doanh thu ghi nhận thực tế có nhiều biến số đòi hỏi có sự đồng bộ, thống nhất liên thông dữ liệu để quản lý, đánh giá chính xác làm cơ sở tính toán nghĩa vụ thuế của mỗi cá nhân, tổ chức liên quan.

Ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ viên Hiệp hội Thương mại điện tử nêu ý kiến: "Dựa trên số phần trăm, ví dụ tỉ lệ là bao nhiêu phần trăm trên tổng doanh số đó họ được hưởng hoặc cũng có thể theo phương pháp bằng số lượng tiền công trong một phiên livestream cứng, có nghĩa là không cần biết số lượng sản phẩm bán được bao nhiêu, người này khi livestream vẫn được hưởng mức thu nhập như vậy".

Bà Đỗ Kim Dung - Đồng sáng lập nền tảng ECOMOBI nhận định: "Các bạn có thể hoàn toàn đọc term và condition của các sàn, họ viết rất rõ, rất kĩ, họ phân biệt rất rõ các bạn là cá nhân kinh doanh hay hộ kinh doanh. Hướng dẫn rõ các bạn phải đóng thuế như thế nào tương ứng như thế nào cho từng loại".

Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan đã chỉ đạo các cục thuế địa phương vừa nâng cao biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các cơ quan liên quan cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức về nghĩa vụ thuế thương mại điện tử tới từng người dân để nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, mới đây, Cục thuế TP. Hà Nội cũng thí điểm trong quản lý thuế thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm, địa bàn có đông hộ cá nhân kinh doanh đã hoàn thành 99% tỷ lệ khớp nối dữ liệu với Bộ Công an. Từ việc đồng bộ dữ liệu này, các cá nhân kinh doanh qua mạng đã ngày càng hiện rõ chi tiết, phục vụ tốt cho việc quản lý thuế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước