Tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra ở Baku (Azerbaijan), các nước tiếp tục thảo luận để tìm kiếm những giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tài chính khí hậu là một trong những trọng tâm tại hội nghị năm nay, trong bối cảnh các dữ liệu mới nhất từ Liên hợp quốc cho thấy khoản tài trợ mỗi năm mà các nước phát triển cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết.
Theo các báo cáo mới của Liên hợp quốc, quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn và hạn chế thiệt hại về khí hậu do khí thải carbon gây ra hiện đang phải đối mặt với thách thức lớn, do tình trạng thiếu hụt tài chính khí hậu. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi, các nước nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ nhân loại trước những hậu quả tàn khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu, đặc biệt là các quốc gia dễ bị tổn thương.
Ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết: "Sự chênh lệch giữa nhu cầu tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn tài chính thực tế có thể lên tới 359 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030. Số tiền thiếu hụt này không phải là con số trừu tượng trên bảng cân đối kế toán, mà đó là sinh mạng bị cướp đi, mùa màng bị mất mát và cơ hội phát triển bị bỏ lỡ".
Sự chênh lệch giữa nhu cầu tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn tài chính thực tế có thể lên tới 359 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030. Ảnh minh họa - (Ảnh: The Guardian)
Các quốc gia tham gia hội nghị năm nay hiện đang hướng tới một mục tiêu tài chính khí hậu mới, nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Mức cam kết trước đó được đưa ra hồi năm 2009 là 100 tỷ USD mỗi năm, nhưng chưa bao giờ được hoàn thành và hiện cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế.
"Năm ngoái, với mỗi USD đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn cầu, chỉ có 0,15 USD dành cho các thị trường đang phát triển và mới nổi bên ngoài Trung Quốc. COP29 phải phá bỏ bức tường tài chính khí hậu. Các nước đang phát triển không thể rời Baku tay không. Chúng ta cần một mục tiêu tài chính mới đáp ứng được nhu cầu trong thời điểm này", ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói.
Các quốc gia đang phát triển đang kêu gọi nâng mức tài trợ lên 1.000 tỷ USD/năm sau 10 năm nữa, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay. Tuy vậy, việc đạt được mục tiêu kể trên là điều không hề dễ dàng, trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc không có mặt tại hội nghị năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!