Sức ép kinh tế sau 6 tháng xung đột Nga - Ukraine

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 27/08/2022 14:02 GMT+7

VTV.vn - Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine trong 6 tháng qua đã và đang khiến nền kinh tế không chỉ Nga, EU mà toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức.

Tuần qua là tròn 6 tháng kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, kéo theo đó là hàng loạt các đòn trừng phạt "ăn miếng trả miếng" giữa Nga và phương Tây. Hệ quả là nguy cơ suy thoái leo thang khi lạm phát toàn cầu liên tục lập đỉnh, giá năng lượng tăng phi mã.

Sau 6 tháng chiến sự diễn ra, nước Nga trực tiếp chịu sức ép kinh tế, nhưng khi xung đột nổ ra ngay trong lòng châu Âu, EU cũng đang chịu những tác động rất lớn.

EU tiến hành 7 vòng trừng phạt kinh tế

Liên minh châu Âu đã tiến hành 7 vòng trừng phạt lên kinh tế Nga. Ở chiều ngược lại, Moscow liên tục thông báo khóa các đướng ống dẫn khí đốt sang châu Âu với lý do bảo trì kỹ thuật. Điều này đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng, đẩy giá dầu và khí đốt tăng cao kỷ lục.

Giá năng lượng liên tục tăng, như giá khí đốt tại châu Âu hiện gấp 15 lần so cùng kỳ năm 2021. Rõ ràng, nước Nga đang thu về thêm hàng tỷ USD bất chấp cấm vận.

11.000 lệnh cấm vận được phương Tây áp đặt 6 tháng qua sẽ cần có thời gian để ngấm dần. Trước mắt, kinh tế Nga vẫn đang trụ vững khi nguồn thu xuất khẩu năng lượng trong năm nay dự kiến sẽ mang lại số tiền kỷ lục cho ngân sách, hơn 337 tỷ USD.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang khiến lạm phát trên toàn EU đạt 9,8% - mức kỷ lục. Đáng lo ngại, 16/27 nước thành viên EU ghi nhận số liệu lạm phát 2 chữ số. Những dự báo mới nhất đang chỉ ra nguy cơ suy thoái với nền kinh tế châu Âu là có.

Kinh tế Nga quý 2 vừa qua suy giảm 4%, thấp hơn dự đoán giảm 5% của các chuyên gia. Đồng Ruble đang là 1 trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới so với USD.

Nga hỗ trợ nền kinh tế

Để giảm áp lực về thiếu hụt hàng hóa khi hơn 1.000 doanh nghiệp, tập đoàn phương Tây rời khỏi Nga, chính phủ Nga đã kích hoạt "cơ chế nhập khẩu song song" ngay từ tháng 5, giúp người dân Nga vẫn có thể tiếp cận hàng hóa phương Tây ngay cả khi bị cấm vận.

Với cơ chế này, Moscow nhập khẩu hàng loạt các mặt hàng cần thiết từ phụ tùng ô tô đến hàng hoá tiêu dùng như đồ điện tử, điện gia dụng, với tổng trị giá dự kiến có thể lên đến 16 tỷ USD trong năm 2022.

Sức ép kinh tế sau 6 tháng xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Kinh tế Nga quý 2 vừa qua suy giảm 4%, thấp hơn dự đoán giảm 5% của các chuyên gia. (Ảnh minh họa - Ảnh: expatica)

Dù vậy, nền kinh tế Nga vẫn phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao cùng tình trạng thiếu hụt nguồn cung, gây ra sự sụt giảm lớn trong sản xuất. Nga buộc phải định hướng lại thị trường cho các nhà sản xuất trong nước và cả nước ngoài, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Quốc.

Chính phủ Nga cũng thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách cho vay theo hợp đồng xuất và hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp nhập máy móc nguyên liệu về Nga để sản xuất cũng với hình thức thế chấp, thời hạn vay vốn tới 5 năm và % ưu đãi từ 3,5%.

Còn từ châu Âu, cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến lục địa già phải thay đổi chiến lược năng lượng khi buộc phải ủng hộ điện hạt nhân là năng lượng xanh và cho phép khởi động lại nhiều nhà máy điện than. Hiện các lo ngại cho rằng, nhiều lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của châu Âu như hóa chất, gang thép… sẽ phải dừng sản xuất do thiếu khí đốt.

Tác động của thiếu hụt năng lượng tới ngành công nghiệp châu Âu

Theo Cơ quan thống kê châu Âu, trong tháng 6, chi phí sản xuất công nghiệp trong những ngành công nghiệp mũi nhọn sử dụng nhiều năng lượng như: luyện kim, thép, chế tạo máy, hóa chất, phân bón… đã tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2021 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều doanh nghiệp trong những nhóm ngành trên cho biết đã phải dừng sản xuất một số dây chuyền. Tuy nhiên họ tạm ngừng do giá năng lượng quá cao, nếu tiếp tục sản xuất thì sẽ lỗ, chứ không phải do thiếu hụt năng lượng bởi các nước châu Âu vẫn còn năng lượng dự trữ trong các kho chứa mùa đông. Các doanh nghiệp sản xuất không thiết yếu hay quy mô nhỏ như sản xuất thủy tinh, đóng hộp phải đóng cửa, như tại Italy, Hà Lan hay Slovakia…

Tuy nhiên đây là bài toán kinh doanh, bù lỗ chi phí. Hoạt động sản xuất vì thế có thể giảm trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ngành sản xuất Đức chật vật vì giá năng lượng

Chịu nhiều tác động hơn cả của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Trong suốt một thời gian dài, nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga đã là động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành công nghiệp Đức. Còn hiện nay, chính sự bấp bênh của nguồn cung này lại đang khiến các doanh nghiệp Đức phải chật vật tìm cách ứng phó.

"Chúng tôi đã cố gắng giảm mức tiêu thụ khí đốt của mình nhiều nhất có thể và cắt giảm được khoảng 20%. Tuy nhiên, nhà máy vẫn chỉ có thể vận hành nếu có đảm bảo được đủ nguồn cung khí đốt. Nhà máy chỉ có một bể chứa duy nhất, và không thể đóng cửa một phần, chỉ đóng hoặc mở cửa hoàn toàn", ông Jan Eckerskorn, Giám đốc nhà máy Zinkpower Meckenheim, cho biết.

"Chúng tôi đã phải thương lượng lại với khách hàng và yêu cầu họ trả nhiều tiền hơn. Không thể tiếp tục giao sản phẩm, mà lại chẳng thu được chút lợi nhuận nào", ông Gerd Roders, Giám đốc điều hành công ty G.A.Roders, cho hay.

"Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không thể thực hiện trong ngắn hạn. Chỉ riêng việc xin giấy phép có thể đã mất nhiều tháng, hoặc thậm chí vài năm. Chi phí cho việc chuyển đổi cũng rất lớn, và đó là lý do vì sao chúng tôi không thể triển khai trong nửa năm hay một năm tới", ông Jan Eckerskorn, Giám đốc nhà máy Zinkpower Meckenheim, thông tin.

Nguy cơ EU suy thoái

Có thể thấy, nếu hoạt động sản xuất tiếp tục bị thu hẹp do giá năng lượng vẫn tiếp tục biến động mạnh cộng với lạm phát kỷ lục, dường như nguy cơ suy thoái đang dần hiện hữu.

Các chuyên gia phân tích thông tin kinh tế của tạp chí The Economist (Anh) dự báo sẽ có một cuộc suy thoái ở châu Âu vào mùa đông 2022 - 2023 do thiếu năng lượng và lạm phát gia tăng liên tục.

Sức ép kinh tế sau 6 tháng xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 2.

Công nhân trong một nhà máy Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). (Ảnh: Reuters)

Giới chuyên gia kinh tế Đức dự báo nguy cơ suy thoái kinh tế tại Đức có thể kéo dài từ quý 4 năm nay sang quý 2 năm sau. Tuy nhiên, mức độ suy thoái không có khả năng nghiêm trọng như năm 2008 hay suy thoái kinh tế trong những tháng đầu đại dịch COVID-19 bùng phát.

Dự báo kinh tế Nga

Moscow đang tạm thời hóa giải tốt phần nào từ các đòn trừng phạt của phương Tây thông qua cơ chế nhập khẩu song song hay bán dầu qua đường biển với 1 nước thứ ba trước khi bán lại cho châu Âu. Tuy nhiên khi EU buộc phải "Cai bầu sữa năng lượng từ Nga" từ nay đến cuối năm và đầu năm sau, kinh tế Nga còn lạc quan như vậy không?

Nga có thể đạt doanh thu xuất khẩu năng lượng năm nay kỷ lục, nhưng khi các lệnh cấm nhập khẩu dầu và giảm mua khí đốt của EU có hiệu lực, không gì có thể đảm báo được con số xuất khẩu tỷ đô này.

Giới phân tích cho rằng, những tháng tới đây kinh tế Nga sẽ trải qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng trừng phạt khi thu nhập từ xuất khẩu có xu hướng giảm, hoạt động kinh tế được dự báo là sụt giảm hơn 10% trong năm nay và quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng không sớm hơn năm 2024.

Có thể thấy, hiện nay Nga tích cực săn tìm khách hàng, thay đổi phương thức vận tải, mở rộng thị phần xuất khẩu tại các quốc gia châu Á và Trung Đông.

Mặc dù vậy, chiến lược "xoay trục năng lượng sang hướng đông" sẽ mất nhiều năm mới có thể hiện thực hóa. Thị trường châu Á khó có khả năng thay thế hoàn toàn thị trường châu Âu, nhưng thay thế một phần là điều chắc chắn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong dài hạn ngành năng lượng Nga phải tính đến yếu tố trong thời đại chuyển đổi năng lượng để hoạch định chiến lược kinh tế và ngân sách đất nước.

Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine suốt 6 tháng qua đã và đang khiến nền kinh tế không chỉ Nga, EU mà toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, từ khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm. Nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu ngày một rõ ràng và năng lượng chính là "gót chân Achilles" của lục địa già.

Còn nước Nga cũng đang chịu nhiều sức ép nếu EU "tẩy chay" dầu và khí đốt, doanh thu xuất khẩu sẽ "nếm trái đắng". Rõ ràng cuộc cạnh tranh sức bền về chịu đựng tổn thất kinh tế sẽ còn kéo dài nếu một giải pháp hòa bình cho chiến sự chưa được tìm ra.

Sau 6 tháng xung đột, kinh tế Nga có 'tê liệt' trước các đòn trừng phạt? Sau 6 tháng xung đột, kinh tế Nga có "tê liệt" trước các đòn trừng phạt?

VTV.vn - Trong bản báo cáo cập nhật mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng bất ngờ khi kinh tế Nga dường như đang tăng trưởng tốt hơn mong đợi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước