Đàn bò sữa 66 con là nguồn thu chính của gia đình ông Moins - Denis. Để có thêm thu nhập, ông Moins - Denis cũng phải xoay đủ mọi cách. Tuy nhiên, ý tưởng mới nào cũng cần phải có tiền đầu tư. Nông dân chỉ là một bộ phận rất nhỏ của một guồng máy khổng lồ, trong đó tiếng nói của họ không có nhiều trọng lượng.
Ông Moins - Denis Nachtergal, nông dân cho biết: “Ngành công nghiệp sữa thường xuyên gây áp lực đối với nông dân sản xuất sữa. Các tập đoàn đa quốc gia quyết định hết, sữa cũng giống như với các nông sản khác. Họ là bá chủ và quyết định tất cả trong quy trình sản xuất sữa. Nông dân như chúng tôi không thể nào thoát ra được”.
Nông dân không có cách nào để tác động vào giá sữa trên thị trường, hoàn toàn may nhờ rủi chịu. Năm nay sữa được giá, công ty chế biến sữa trả 38 xu cho một lít sữa, mức giá khá cao so với 23 xu vào cùng kỳ năm ngoái.
‘ Người dân châu Âu cảm thấy rất bấp bênh khi không thể tự mình làm chủ thị trường sữa nguyên liệu. (Ảnh minh họa)
Bà Maryline Nachtergal, Nông dân cho biết: “Tất cả chi phí đầu vào đều tăng, phân bón, thuốc thú y, nhiên liệu… đều tăng giá nhiều. Do vậy, giá sữa cũng phải tăng tương ứng, nếu không thì chúng tôi không thể bù đắp được chi phí sản xuất”.
Khi giá sữa tăng như hiện tại, nông dân cũng không thể sản xuất thêm để tăng thu nhập. Theo quota được phân bổ, mỗi năm một trang trại chỉ được sản xuất tối đa 430.000 lít sữa. Hệ thống quota sữa do Liên minh châu Âu áp đặt từ hơn 30 năm nay, nhằm khống chế lượng sữa trên thị trường, không cho giá sữa xuống quá thấp.
Ông Moins-Denis Nachtergal cho biết thêm: “Từ năm 2015, hệ thống này sẽ bị bãi bỏ. Ai muốn sản xuất bao nhiêu sữa cũng được, về lý thì là như thế. Nhưng trong những năm đầu tiên, sẽ không thể biết giá sữa biến động ra sao, liệu giá có sụt giảm nhiều do chuyện bỏ quota hay không. Vì nếu như mọi người đều được tuỳ ý sản xuất bao nhiêu cũng được, thì dĩ nhiên là giá sữa sẽ giảm”.
Trong guồng quay của thị trường nông sản, người nông dân không quyết định được gì nhiều. Năm nay, sữa bò tương đối được giá, thừa đủ để bù đắp chi phí đầu tư, nhưng không ai dám chắc năm sau ra sao để tiếp tục đầu tư.