Sự kiện biểu diễn nghệ thuật - “Mỏ vàng”của kinh tế địa phương

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 01/07/2023 14:00 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ một đêm diễn, những sự kiện giải trí, biểu diễn đang là "mỏ vàng" của cả đơn vị tổ chức lẫn nơi đăng cai.

Chiến lược doanh thu khủng của công nghiệp K-Pop

Doanh thu từ việc bán album vật lý là một trong những nguồn thu lớn nhất của K-Pop. Theo Circle Chart, số lượng tiêu thụ album vật lý K-Pop đang tăng mạnh. Gần 35 triệu bản album đã được bán ra trong nửa đầu 2022, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo thống kê, doanh số tiêu thụ album K-Pop đã liên tục tăng theo cấp số nhân kể từ năm 2016, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến ngành công nghiệp âm nhạc.

"Nếu như trước kia K-Pop đơn thuần chỉ có nghĩa là âm nhạc Hàn Quốc, thì nay được mở rộng, đẩy lên thành K-content bao gồm cả phim ảnh, thời trang, làm đẹp... Các nhóm nhạc K-Pop liên tục thúc đẩy mọi tương tác của người hâm mộ, khiến các fan không ngại bỏ tiền đầu tư cổ phiếu, mua sản phẩm mà thần tượng quảng cáo. Theo nghiên cứu, riêng BTS đóng góp 5 tỷ USD mỗi năm vào GDP Hàn Quốc", ông Lee Weon Suk, Tổng Giám đốc Công ty Daehong Communications Việt Nam, cho biết.

Các buổi hòa nhạc cũng mang lại lợi nhuận lớn cho K-Pop, đặc biệt trong thời kỳ các nhóm nhạc Hàn Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế với hàng loạt chuyến lưu diễn toàn cầu.

Sự kiện biểu diễn nghệ thuật - “Mỏ vàng”của kinh tế địa phương - Ảnh 1.

Các show diễn của BlackPink liên tục cháy vé dù diễn ra liên tục. (Ảnh: YG Entertainment)

"Theo thống kê tại Hàn Quốc, chỉ với một buổi hòa nhạc của BTS hay BLACKPINK sau đại dịch có thể tạo ra tác động kinh tế lên tới 1 tỷ USD vì khi tổ chức sự kiện sẽ cần đến tuyển dụng nhân công để dựng sân khấu, tổ chức, hay bán sản phẩm liên quan đến nhóm nhạc", ông Lee Weon Suk cho biết thêm.

Chưa kể, ngành công nghiệp K-Pop đã nghĩ ngay đến tầm quan trọng của việc "quốc tế hóa" để dễ dàng thu hút đa dạng người hâm mộ.

"Nếu như trước kia các nhóm nhạc K-Pop phải thành công ở thị trường trong nước mới dám nghĩ đến việc ra nước ngoài, thì bây giờ chiến lược ngay từ đầu của nhiều công ty giải trí Hàn Quốc là phải phát triển ở thị trường quốc tế. Do vậy ngay từ khâu chiêu mộ nhân tài, họ đã chọn những thành viên có quốc tịch quốc tế, nói tiếng Anh tốt để dễ dàng thu hút người hâm mộ quốc tế hơn", ông Lee Weon Suk cho hay.

Theo chuyên gia, làn sóng K-Pop, văn hóa Hàn Quốc hiện đã trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu trụ cột. Với 1 tỷ USD xuất khẩu sản phẩm âm nhạc sẽ thúc đẩy thêm 2 tỷ USD nữa về các sản phẩm liên quan, từ thời trang, mỹ phẩm, đồ ăn…

Các sự kiện nghệ thuật - Cú hích cho kinh tế địa phương

Nhìn rộng ra, không chỉ làn sóng K-Pop, mà các ngôi sao lớn toàn cầu đều tạo ra nguồn thu không nhỏ nhờ những chiến lược như tổ chức tour diễn quốc tế. Theo chiều ngược lại, các đêm biểu diễn của họ, cũng được báo chí ví là "mỏ vàng" với nơi tổ chức, bởi hàng vạn khán giả đổ tới tạo ra cú hích mạnh mẽ với hoạt động du lịch và thương mại địa phương.

Theo Forbes, 4,6 tỷ USD là số tiền các chuyến lưu diễn trong khuôn khổ The Eras Tour của ca sĩ Taylor Swift mang lại cho hoạt động chi tiêu tiêu dùng chỉ riêng tại Mỹ trong thời gian qua. QuestionPro ước tính, mỗi khán giả tham dự các buổi trình diễn đã chi ra trung bình hơn 1.300 USD cho tiền vé, phương tiện di chuyển, quần áo…, trong khi các dịch vụ ăn uống khách sạn cũng kín chỗ.

Đơn cử như trong thời gian Taylor Swift lưu diễn tại thành phố Chicago, hơn 44.000 phòng khách sạn đã được đặt kín cho 2 đêm diễn, với tỷ lệ lấp đầy kỷ lục 96,8%

"Các buổi hòa nhạc cháy vé của Taylor Swift đã khiến các khách sạn tại Chicago có đợt kinh doanh thành công nhất trong nhiều năm trở lại đây. Những con số này là bằng chứng không thể chối cãi về tầm quan trọng của các sự kiện lớn đối với kinh tế địa phương", ông Michael Jacobson, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn bang Illinois, Mỹ, nhận định.

Những cú hích tương tự cũng xảy ra ở nhiều nơi khác. Chuyến lưu diễn của Beyonce tại Thụy Điển đã dẫn tới lượng khách du lịch tăng đột biến ở thủ đô Stockholm, trong khi tại Singapore, nơi Taylor Swift hay nhóm nhạc Coldplay dự kiến có chuyến lưu diễn trong năm tới, lượng tìm kiếm đặt phòng khách sạn đã tăng 8,7 lần. Nền kinh tế nơi diễn ra các sự kiện cũng được kỳ vọng hưởng nhiều lợi ích trong dài hạn.

Sự kiện biểu diễn nghệ thuật - “Mỏ vàng”của kinh tế địa phương - Ảnh 2.

Taylor Swift. (Ảnh: CNN)

"Ngoài du lịch, việc trở thành một trung tâm hòa nhạc cũng sẽ tăng thêm sức sống cho Singapore với tư cách là một thành phố toàn cầu. Điều này góp phần thu hút và giữ chân nhân tài toàn cầu, đồng thời củng cố các nỗ lực quảng bá hình ảnh quốc gia", Phó Giáo sư Terence Ho, Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, đánh giá.

Sau gần 3 năm đại dịch, tâm lý người tiêu dùng tại nhiều quốc gia vẫn khá thận trọng, ảnh hưởng phần nào đến hoạt động chi tiêu tiêu dùng. Những sự kiện giải trí lớn của các nghệ sĩ quốc tế, có thể coi là nguồn cảm hứng, tạo đà cho sự bùng nổ mạnh mẽ hơn, góp phần thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.

Chiến lược kích cầu từ tổ chức sự kiện của các quốc gia

Một quốc đảo nhỏ bé như Singapore, nhưng đầu năm sau sẽ đón tới 2 ngôi sao là Taylor Swift và ban nhạc Coldplay tới biểu diễn. Đó là bởi nước này rất tích cực đang quảng bá cho vị trí trung tâm của các sự kiện giải trí. Một ví dụ là giải đua F1 hàng năm, không chỉ có các màn đua xe mãn nhãn, mà còn là hàng loạt buổi biểu diễn từ nhiều ngôi sao quốc tế. Nhờ đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, đi lại hay nhà hàng của Singapore đều tăng chóng mặt chỉ trong 3 ngày sự kiện.

Cũng đi theo chiến lược này, chỉ trong quý đầu năm nay, Thái Lan thu hút tới 20 sự kiện liên quan tới hòa nhạc và gặp gỡ người hâm mộ của thần tượng K-Pop. Tổng cục Du lịch Thái Lan còn sẵn sàng tài trợ cho nhóm BLACKPINK tới nước này biểu diễn hồi đầu năm. Liệu rằng những sự kiện trong thời gian tới có thể đem đến thành công tương tự cho Việt Nam?

"Trước kia tôi từng nghĩ rằng mức thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam có thể ảnh hưởng đến sức mua vé xem hòa nhạc. Thế nhưng tôi đã nhầm. Ở Việt Nam, người hâm mộ sẵn sàng chi khoản tiền lớn để có được tấm vé nghe nhạc thần tượng. Đơn cử trường hợp của BLACKPINK, mọi người đều rất hào hứng tìm mua vé, dù giá dự báo có cao.

Nếu buổi hòa nhạc của BLACKPINK sắp tới thành công, đây sẽ là tiền đề để nhiều nhóm nhạc thần tượng khác hay các siêu sao trên thế giới tự tin hơn bước chân vào thị trường Việt Nam.

Giống với Thái Lan, Việt Nam có thể trở thành điểm đến âm nhạc của khu vực. Từ đó, các concert sẽ giúp tạo thu nhập quay vòng cho ngành du lịch và nền kinh tế chung của cả nước. Các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội hợp tác và mời các thần tượng trở thành đại sứ thương hiệu, từ đó doanh thu bán hàng sẽ tăng lên", ông Lee Weon Suk, Tổng Giám đốc công ty Daehong Communications Việt Nam, nhận định.

Ngôi sao nổi tiếng - nhân tố gây lạm phát?

Mang lại nguồn thu đáng kể, nhưng các sự kiện biểu diễn cũng không phải là không có mặt trái. Một ví dụ là nữ danh ca Beyonce được coi là đã "một tay" đẩy lạm phát lõi của Thụy Điển lên mức 8,2% trong tháng 5, cao hơn nhiều so với dự báo, chỉ với 2 buổi biểu diễn của cô.

Các nhà kinh tế thậm chí đã dùng cụm từ "Beyonceflation" hay "Swiftflation" để chỉ hiện tượng này, khi sức hút quá lớn từ các ngôi sao danh tiếng khiến giá cả tăng đột biến ở nơi tổ chức đêm diễn, đặc biệt là những dịch vụ khách sạn hay nhà hàng.

Bất chấp vấn đề này, các sự kiện giải trí vẫn đang không ngừng bùng nổ trở lại sau đại dịch, và nguồn thu khổng lồ của chúng khiến xu thế chạy đua tổ chức sự kiện là không thể bỏ lỡ với nhiều quốc gia.

Giá vé chương trình biểu diễn của các thần tượng K-pop đã tăng như thế nào? Giá vé chương trình biểu diễn của các thần tượng K-pop đã tăng như thế nào?

VTV.vn - Người hâm mộ K-pop cả trong và ngoài nước đang phàn nàn về giá vé concert tăng cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước