Thời của năng lượng hạt nhân
Điện hạt nhân vốn được biết đến là nguồn năng lượng dồi dào, không phát thải. Đã từng có giai đoạn điện hạt nhân bị nghi ngờ, bởi những quan ngại về an toàn. Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và những trung tâm dữ liệu lớn đang kéo theo nhu cầu về điện khổng lồ. Cùng với đó, là mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng vào giữa thế kỷ này. Tại Mỹ, điện hạt nhân đang được kích hoạt trở lại.
Ít ai nghĩ những tháp giải nhiệt nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island còn có cơ hội nhả khói lần nữa. Sự cố nghiêm trọng năm 1979 đã khiến một lò phản ứng của nhà máy phải đóng cửa. Lò còn lại phải dừng hoạt động do thua lỗ trước khi Covid. Nhưng nay nó đã được khởi động lại, đánh dấu một chương mới của nhà máy từng được xem là lời hứa của tương lai như hãng CNBC bình luận.
Nhà máy được hồi sinh từ thoả thuận với Microsoft. Ông lớn công nghệ hợp đồng mua điện của nhà máy trong vòng 20 năm, sử dụng cho các trung tâm dữ liệu, phục vụ dịch vụ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Đây là thời của năng lượng hạt nhân như Tạp chí Power nhận định. Vài tháng qua, nhiều nhà máy điện hạt nhân đã hồi sinh ở Mỹ. Hàng loạt tiểu bang như Virginia, Washington, Texas, Tennessee đều rục rịch ban hành các chính sách nhằm phát triển các dự án điện hạt nhân lớn nhỏ.
Ở cấp liên bang, chính quyền Mỹ cũng vừa mới ban hành một kế hoạch táo bạo đến giữa thế kỷ sẽ tăng gấp ba công suất điện hạt nhân của nước này. Kế hoạch này đặt ra mục tiêu tạo ra 200 GW điện hạt nhân vào năm 2050. Lộ trình là đến năm 2035, hệ sinh thái năng lượng hạt nhân sẽ được kích hoạt lại với 35 GW công suất mới. Từ năm 2040, sẽ tăng tốc bổ sung mỗi năm 15 GW cho các dự án trong nước và toàn cầu. Mỹ muốn đi đầu trước cơn khát năng lượng nhãn tiền sắp tới.
Tờ Nytimes cho biết, nhiều năm trước đây, tại các hội nghị về biến đổi khí hậu, điện hạt nhân là một phần của vấn đề, chứ không phải một phần của giải pháp. Giờ điều này hoàn toàn thay đổi. Dù vẫn còn những nghi ngại, ngày càng có nhiều quốc gia coi điện hạt nhân là cần thiết để đạt các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. Đến nay đã có hơn 30 quốc gia tham gia vào tuyên bố tăng gấp ba lần công suất điện hạt nhân vào năm 2050.
Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach, Đức - Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Âu quay trở lại với năng lượng hạt nhân
Tại châu Âu, mức độ nhạy cảm của thị trường khí đốt trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga qua Ukraine không còn giống như hai năm đầu của cuộc xung đột, bởi đã có nguồn cung đa dạng hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, EU sẽ phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện để tăng cường an ninh năng lượng. Một giải pháp được các nước châu Âu lựa chọn là trở lại với năng lượng hạt nhân.
Các nhà máy điện hạt nhân đang hồi sinh tại châu Âu. Ngoại trừ nước Đức tuyên bố từ bỏ năng lượng nguyên tử, các nước Pháp, Thụy Điển, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Bulgaria và Romania đang thúc đẩy một nguồn năng lượng nay lại được đề cao.
Lãnh đạo các nước châu Âu nay không còn e dè khi cổ vũ cho điện hạt nhân. Tờ Libero ra tại Italy trích lời Thủ tướng nước này, rằng "năng lượng nguyên tử là cần thiết cho tương lai". Bà Giorgia Meloni khẳng định, "chúng ta cần kết hợp các nguồn năng lượng một cách cân bằng để cải thiện quá trình chuyển đổi". Đối với Italy cũng như các nước thành viên Liên minh châu Âu, điện hạt nhân không chỉ giúp sớm đạt mục tiêu giảm phát thải, mà còn có ý nghĩa chủ quyền năng lượng, giảm lệ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ là sản phẩm vẫn phải nhập khẩu.
Tham vọng của Liên minh châu Âu trong lĩnh vực này rất lớn, theo tờ L'Opinion của Pháp. Tháng 5 năm ngoái, các nước châu Âu đã cùng nước Anh đặt mục tiêu xây dựng thêm "30 đến 45 lò phản ứng hạt nhân, đồng thời phát triển mô hình lò phản ứng cỡ nhỏ". "Pháp, Anh, Séc, Ba Lan và Hungary đã khởi công xây dựng", "một loạt nước khác đã công bố kế hoạch cụ thể". Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trong mảng công nghiệp và dịch vụ sẽ có thêm hợp đồng từ những dự án xây mới nhà máy điện nguyên tử.
Mảng thiết kế và chế tạo lò phản ứng cỡ nhỏ đang được giới đầu tư quan tâm vì một lý do, hầu hết các dự án ấy là do các tập đoàn tư nhân thực hiện. Tờ Faro de Vigo của Tây Ban Nha mô tả, "một lò phản ứng cỡ nhỏ kích thước chỉ bằng 1/10, nhưng công suất tương đương 1/3 lò phản ứng truyền thống".
Hơn hai năm kể từ khi Nga hạn chế nguồn cung, châu Âu vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ hệ thống năng lượng của mình. Dù EU đã đa dạng hóa nguồn cung, nhưng nguy cơ gián đoạn và nhu cầu gia tăng do thời tiết mùa đông giá lạnh đẩy giá khí đốt tăng cao, có thể tạo thêm áp lực cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, năng lượng hạt nhân, với công nghệ ngày càng an toàn hơn được coi là một giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng đối với các quốc gia châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!