Sớm đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 05/01/2025 08:09 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam cần chuẩn bị toàn diện từ đảm bảo an toàn công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đến tạo sự đồng thuận để tái khởi động thành công dự án điện hạt nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 1 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Đây là giai đoạn phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% đến mức 2 con số. Dự kiến, điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, tương ứng mỗi năm cần bổ sung từ 8.000 – 10.000 MW, gấp khoảng 2 lần tổng công suất của 3 nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.

Một trong những giải pháp quan trọng: tập trung chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Để thực hiện được nhiệm vụ và mục tiêu này, nhiều công việc sẽ cần sớm triển khai ngay từ bây giờ.

Theo đại diện Viện năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, cần chú trọng 3 trụ cột chính. Một là xác định các chủ đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Hai là xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân để giám sát, kiểm tra an toàn. Ba là có đội ngũ chuyên gia hàng đầu để nghiên cứu, triển khai và vận hành các nhà máy điện hạt nhân.

Ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay: "Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng một chương trình triển khai nghiên cứu rồi tập hợp đội ngũ để ban đầu triển khai việc nghiên cứu dần. Khi triển khai nghiên cứu thì chúng ta mới đào tạo con người, có thể là cử nhân, hoặc kỹ sư, đó là những nền tảng. Khi có một đội ngũ như thế rồi thì chúng ta chọn những ai có năng lực nghiên cứu tiếp thì tiếp tục đào tạo thêm những chương trình đặc biệt. Khi họ có năng lực rồi chúng ta gửi ra nước ngoài để làm việc, lúc đó họ mới có thể đạt trình độ quốc tế, như vậy chúng ta mới có đội ngũ chuyên gia hàng đầu".

Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Chúng ta cũng cần đánh giá lại nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân, trong đó có số lượng khoảng hơn 300 sinh viên, cán bộ trẻ đã được cử đi đào tạo tại Liên bang Nga từ giai đoạn trước và cũng cần sớm xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh liên quan đến công nghệ điện hạt nhân, an toàn hạt nhân".

Sẽ cần đội ngũ nhân lực giỏi trong nhiều lĩnh vực quan trọng như vật lý hạt nhân, kỹ thuật lò phản ứng, quản lý chất thải phóng xạ, an toàn hạt nhân. Lựa chọn công nghệ điện hạt nhân tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn cũng là vấn đề cần sớm được quyết định.

PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho hay: "Có lẽ phải chọn loại mới nhất, thế hệ III+, ví dụ lò của Nga, Mỹ, Pháp, thậm chí lò của Nhật hợp tác với các nước khác".

Việt Nam cần có sự chuẩn bị toàn diện từ đảm bảo an toàn công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đến tạo sự đồng thuận để tái khởi động thành công dự án điện hạt nhân. Đây chính là lời giải căn cơ cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia giúp Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững. Đồng thời đưa khoa học, công nghệ của đất nước ta phát triển lên một tầm cao mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước