Tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận: Công nghệ nào cho Việt Nam?

Thùy Chi-Thứ tư, ngày 18/12/2024 15:57 GMT+7

VTV.vn - Sử dụng công nghệ đã được kiểm chứng là khuyến nghị của nhiều chuyên gia sau khi Việt Nam chính thức tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Xu hướng công nghệ điện hạt nhân?

Tính đến cuối tháng 8/2024, trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, tổng công suất lắp đặt 373.735 MWe; 62 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971 MWe. Bên cạnh 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.

Sau khi Quốc hội chính thức đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, câu hỏi đặt ra là, Việt Nam nên áp dụng công nghệ nào? Trả lời PV VTV Times, ông Lê Đại Diễn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử cho biết, công nghệ nhà máy điện hạt nhân, nói một cách cụ thể hơn chính là công nghệ lò phản ứng. Công nghệ lò phản ứng sẽ quyết định đến các thành phần khác của nhà máy. 

Theo ông Diễn, ngày nay khi nói về công nghệ nhà máy điện hạt nhân, người ta thường sử dụng cách phân loại theo công suất.

Thứ nhất là các lò công suất lớn với các thiết kế lò phản ứng/nhà máy điện hạt nhân đã được tiêu chuẩn hóa, công suất trong khoảng 750 MW đến 1500 MW. Tất cả các thiết kế này đã được thương mại hóa dựa trên các công nghệ đã được kiểm chứng với các nhà cung cấp có uy tín. 

Tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận: Công nghệ nào cho Việt Nam? - Ảnh 1.

Thứ hai, các lò module công suất nhỏ (SMR) có công suất điện dưới 300 MWe. Cần lưu ý rằng thế hệ lò phản ứng điện hạt nhân đầu tiên có kích thước nhỏ có thể thấy trên các tàu ngầm hạt nhân hay tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điểm khác biệt của SMR hiện tại là phương pháp thiết kế và tích hợp các tính năng an toàn thụ động, tiêu chuẩn hóa cao. Các SMR đáp ứng các thị trường mà các lò phản ứng công suất lớn không phù hợp do nhu cầu năng lượng thấp hoặc lưới điện yếu, hứa hẹn nhiều đặc tính vượt trội về an toàn, kinh tế.

Thứ ba, các lò phản ứng siêu nhỏ (Microreactor) giống như các lò SMR nhưng với công suất điện dưới 10 MWe và được thiết kế để vận chuyển trên xe như một nhà máy di động hoạt động theo nguyên tắc cắm và chạy (plug and play).

Theo cách phân loại như trên, chỉ có các lò công suất lớn hiện đang vận hành và đang được xây dựng. Trong đó khoảng 89% là các lò phản ứng nước nhẹ (LWR), 6% lò nước nặng (PHWR), 2% lò nước nhẹ làm chậm bằng graphite và 2% lò làm nguội bằng khí. Trong khi các lò SMR và siêu nhỏ còn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, nhiều vấn đề pháp quy cũng như luật pháp quốc tế còn chưa theo kịp.

“Với cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ 21, các lò phản ứng công suất lớn đã trở thành xu thế tất yếu của nhiều quốc gia do nhu cầu năng lượng tăng cao và tính thương mại hóa của các công nghệ lò phản ứng đã được kiểm chứng”, ông Lê Đại Diễn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử thông tin.

Theo nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân, trong số hơn 60 lò phản ứng hiện đang được triển khai xây dựng có đến hơn 50 lò công suất lớn với thiết kế lò nước nhẹ áp lực. Trong đó có tới 23 lò VVER với 18 lò VVER-1200 và 5 lò VVER-1000… Công nghệ này có mặt ở khá nhiều quốc gia (ngoài Nga) như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Bangladesh… Một điểm chung của hầu hết các thiết kế như VVER-1200 đều thuộc thế hệ III/III+.

Nhanh nhưng không được vội

Dù bị tạm dừng 8 năm, song theo các chuyên gia, giai đoạn triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận những năm trước là tiền đề quan trọng cho việc tái khởi động.

TS. Hoàng Anh Tuấn cho biết, Việt Nam đang sở hữu một nguồn nhân lực về điện hạt nhân được đào tạo bài bản. Đó là khoảng 300 sinh viên là kỹ sư đã tốt nghiệp các trường chuyên về điện hạt nhân của Liên bang Nga. Chưa kể hàng trăm cán bộ được đào tạo ở các nước khác liên quan đến công tác quản lý, nghiên cứu… Ngoài ra với báo cáo khả thi, công tác lựa chọn địa điểm, khảo sát, đánh giá… đã được triển khai. Những công việc ấy đến nay hoàn toàn có thể tái sử dụng.

Bên cạnh đó, Luật Điện lực (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua cũng đã tạo những hành lang pháp lý cần thiết trong nước cũng như hợp tác quốc tế trong việc phát triển điện hạt nhân. Về thể chế, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt về các điều ước quốc tế, hiệp định song phương với các nước về công nghệ nguồn hạt nhân đã được chuẩn bị trong giai đoạn trước.  


Tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận: Công nghệ nào cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Khuyến nghị về quá trình tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Lê Đại Diễn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử nhấn mạnh quan điểm nhanh nhưng không nghĩa làm vội, làm tắt, không được bỏ qua một bước nào. 

“An toàn chính là tuân thủ các yêu cầu pháp quy. Rất nhiều dự án trên thế giới vướng cái này khi đối tác không tuân thủ các yêu cầu pháp quy, dự án phải kéo dài thời gian dẫn đến chi phí tăng cao. Do vậy, về mặt an toàn phải tuân thủ các yêu cầu pháp quy”, ông Diễn nêu quan điểm.

Chúng ta đã trải qua thời gian triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho nên cần đánh giá, nghiên cứu, xem xét lại các công việc đã làm tại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây để tránh đầu tư dàn trải lãng phí tài chính, nguồn lực.  

“Đảng và Nhà nước sẽ phải đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.

Nên sử dụng các công nghệ đã được kiểm chứng

Theo ông Lê Đại Diễn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử, trong bối cảnh Việt Nam đang cần năng lượng để phát triển nền kinh tế số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nếu sử dụng các lò module nhỏ (SMR) là không phù hợp vì công nghệ chưa được kiểm chứng và thương mại hóa, hơn nữa chi phí sẽ rất lớn do phải đào tạo nguồn nhân lực đủ lớn để quản lý vận hành các lò này do các lò có thể được đặt ở các địa điểm khác nhau.

Ông Lê Đại Diễn cho rằng, để phát triển điện hạt nhân, Việt Nam cần sử dụng công nghệ đã được kiểm chứng. Trước mắt, đối với dự án điện hạt nhân  Ninh Thuận, nên xem xét ưu tiên Lò VVER-1200 cho dự án Ninh Thuận 1 ở Phước Dinh với đối tác Rosatom. Vì công nghệ này đang xây dựng và vận hành ở Nga, Belarus, Bangladesh… đồng thời, cũng nhằm tránh lãng phí thời gian tìm hiểu từ đầu.

Cùng quan điểm với ông Lê Đại Diễn, TS. Hoàng Anh Tuấn - Nguyên Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng, phát triển lò module công suất nhỏ (SMR) chưa phù hợp với giai đoạn tới đây của Việt Nam.

Bởi lò SMR chỉ có thể cung cấp khoảng vài trăm MWe điện, trong khi Việt Nam đang cần những lượng điện lớn trong vài chục năm tới, tức hàng ngàn MWe. Ngoài ra, công nghệ SMR cũng đang trong quá trình phát triển, mới bắt đầu được thử nghiệm ở một vài nơi chưa thương mại hóa, chưa kiểm chứng đầy đủ. 

“Giải pháp thông minh và thực tiễn của Việt Nam nên đi vào công nghệ III+ tức thế hệ điện hạt nhân tiên tiến phát công suất lớn. Trong tương lai 20 - 30 năm tới khi thị trường cơ bản ổn định, cần những nguồn điện quy mô vừa phải, đáp ứng yêu cầu ngách khi đó SMR đã được hoàn thiện công nghệ và kiểm chứng thì chúng ta nên xem xét”, TS. Hoàng Anh Tuấn kiến nghị.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trên thế giới hiện nay, điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển.

Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu, có thể học hỏi và làm chủ công nghệ hạt nhân của thế giới sau này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước