Có suất đầu tư cao hơn so với điện gió, điện Mặt trời… nhưng với vòng đời nhà máy dài, hệ số công suất cao và đặc biệt là khả năng cung ứng điện nền, phát triển điện hạt nhân được xem là chiến lược quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Theo tính toán, GDP Việt Nam nếu tăng 10% thì sản lượng điện phải tăng 15%. Nhưng nếu Việt Nam tăng tốc nhanh và mạnh trên con đường chuyển đổi số thì tăng trưởng điện phải đạt trên 15%, có thể lên tới 18 - 20%.
“Sự phát triển tiếp theo của nhân loại sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu và xử lý dữ liệu. Nhưng hạ tầng dữ liệu thì tiêu tốn rất nhiều điện. Một trung tâm dữ liệu siêu lớn tiêu tốn hàng trăm MW. Tại Malaysia, người ta đang xây dựng những trung tâm dữ liệu tới 500 MW. 4 trung tâm như thế này có thể tiêu thụ hết cả một nhà máy thuỷ điện Hoà Bình”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Để có thể vận hành các nhà máy, nông trại, đô thị thông minh hay ứng dụng các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật và các hoạt động kinh tế - xã hội đều cần có nguồn điện lớn và sạch để đảm bảo phát triển bền vững.
Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao. Tổng công suất hệ thống điện hiện nay của Việt Nam khoảng 80GW, dự báo cần thêm khoảng 70GW vào năm 2030. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện xu thế chung và với cam kết của Việt Nam đạt trung hòa carbon vào năm 2050 nên năng lượng tái tạo và những nguồn năng lượng mới phải phát triển rất mạnh. "Đến năm 2030 chúng ta cần có gấp 2 lần công suất hiện nay, nhưng đến năm 2050, tức là còn 26 năm nữa, chúng ta phải cung ứng gấp 5 lần công suất hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, khi các nguồn điện truyền thống không có dư địa để phát triển nữa, thủy điện đã hết, điện than không phát triển được, năng lượng Mặt trời cũng có giờ quy định và nếu phải tính cả đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện cũng không phải rẻ hơn. Do đó, trong tương lai dứt khoát phải có điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV vừa qua, Quốc hội đã chính thức đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã chính thức luật hoá chính sách phát triển điện hạt nhân khi thông qua Luật Điện lực (sửa đổi).
Đáp ứng điều kiện cần và đủ
Năm 2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đến tháng 11/2016, do nhiều nguyên nhân, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương này.
Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nợ công được kiểm soát tốt, quy mô tổng sản phẩm trong nước ngày càng tăng cao. Đây được xem là nền tảng quan trọng để Việt Nam tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân.
GDP của Việt Nam mới đạt khoảng 205 tỷ USD, tuy nhiên, trong năm ngoái con số này đã tăng lên gấp đôi, đạt gần 430 tỷ USD. Tỷ lệ nợ công so với GDP năm 2016 cũng là cao nhất (khoảng 63,7%), trong khi đó, năm 2023 chỉ 37%, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% do Quốc hội đã đề ra. Về nguồn lực có thể đáp ứng mức đầu tư cho điện hạt nhân. "Việc Việt Nam xây nhà máy điện hạt nhân vào thời điểm này, xét về mặt kinh tế, chúng ta đủ tiềm lực; về mặt nhu cầu, chúng ta cũng cần”, ông Đào Nhật Đình - Chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng và môi trường nhận định nhận định.
PGS. Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đánh giá, thời điểm trước đây, hầu hết các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới vẫn đang ở thế hệ thứ II, hệ thống công nghệ cũ. Công nghệ hạt nhân ở thời điểm này cũng đã có bước phát triển vượt bậc. Người dân có thể yên tâm không ảnh hưởng đến môi trường, đến con người.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, quyết định tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nói rộng hơn là triển khai chương trình điện hạt nhân, một chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết. “Điều này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững, theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định.
Không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, điện hạt nhân còn đáp ứng yêu cầu phát triển xanh khi Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ tiến tới mục tiêu phát thải bằng 0. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài với các nguồn vốn tỷ USD vào Việt Nam.
“Đắt xắt ra miếng”
Liên quan đến vấn đề tài chính, suất đầu tư cho mỗi MWe điện hạt nhân cao hơn đáng kể so với điện gió hay điện Mặt trời. Song nhà máy điện hạt nhân lại có những lợi thế lớn khác. Theo TS. Hoàng Anh Tuấn - Nguyên Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), ước tính suất đầu tư cho điện hạt nhân có thể lên tới 5 - 6 triệu USD/MWe. Trong khi, điện gió trên bờ hay điện Mặt trời (không pin lưu trữ) suất đầu tư chỉ khoảng 1,5 triệu USD/MWe…
Dù có suất đầu tư cao hơn, song ngoài khả năng cung cấp điện nền, điện hạt nhân còn có lợi thế lớn nếu xét trên khía cạnh vòng đời nhà máy. “Một nhà máy điện hạt nhân với công nghệ hiện đại hiện nay có vòng đời khoảng 60 năm, có những dự án mới, vòng đời có thể lên tới 80 năm vẫn cho phép hoạt động tốt. Trong suốt thời gian hoạt động trên, hệ số công suất mà nhà máy điện hạt nhân có thể đáp ứng được là rất cao, lên đến 90 - 95%. Có những nhà máy có hệ số công suất lên đến 100%”, TS. Hoàng Anh Tuấn thông tin. Cũng theo ông Tuấn, điện hạt nhân gần như không phụ thuộc vào thời tiết, mưa nắng, ngày đêm, luôn luôn phát điện ở công suất gần như là công suất thiết kế. Trong khi đó, điện Mặt trời hay điện gió chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố thời tiết.
Điện hạt nhân cũng cần nhiên liệu để hoạt động, song nhiên liệu lại khá rẻ, có thể dự trữ được nhiều năm. Đây là ưu điểm lớn nêu so với điện khí, hay điện than. “Điện hạt nhân tuy rằng suất đầu tư cao nhưng giá trị, ý nghĩa khai thác lại rất lớn”, TS. Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hôm 25/11, tại Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. “Đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng các yêu cầu cao nhất về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!