Hưởng ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ giai đoạn 2021-2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hướng đến sản xuất bền vững và giảm thiểu tác động môi trường.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh trong quý 3 năm 2024, Ngân hàng ACB đã nâng hạn mức gói tín dụng xanh/xã hội từ 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng với mức lãi suất chỉ từ 6%/năm, ưu đãi lên đến 24 tháng. Tính đến hết tháng 9, ACB đã giải ngân 73% gói tín dụng xanh/xã hội, chiếm 2,9 nghìn tỷ đồng. Trước đó, ACB đã công bố khung tài chính bền vững tạo nên các tiêu chuẩn cho hoạt động trong lĩnh vực tài chính xanh.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, cho biết ngân hàng hiện dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Gói tín dụng này có thể tăng lên 10.000 tỷ đồng hoặc 20.000 tỷ đồng nếu doanh nghiệp có nhu cầu về vốn tín dụng xanh để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài.
Nhiều ngân hàng còn nỗ lực thu hút vốn quốc tế nhằm cung cấp tín dụng xanh hiệu quả hơn. Ảnh MH
Nhiều ngân hàng khác cũng đã triển khai các khoản vay lớn để tài trợ cho các dự án xanh. Điển hình là VPBank hợp tác với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) để cung cấp khoản vay 150 triệu USD cho các dự án năng lượng tái tạo và phát triển lưới điện, góp phần tích cực vào giảm phát thải. Khoản vay này thuộc khuôn khổ cộng đồng AZEC, do Nhật Bản khởi xướng nhằm trung hòa carbon cho khu vực châu Á.
Bên cạnh VPBank, các ngân hàng khác cũng tung ra những gói tín dụng xanh quy mô lớn. BIDV mới triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp xanh với lãi suất ưu đãi đến cuối năm 2024. VietinBank, với chương trình Green UP, cung cấp 5.000 tỷ đồng cho các dự án mang lại lợi ích cộng đồng và môi trường, trong khi TPBank dành riêng 5.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp với dự án xanh.
Nhiều ngân hàng còn nỗ lực thu hút vốn quốc tế nhằm cung cấp tín dụng xanh hiệu quả hơn. BIDV đã hợp tác với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD Việt Nam) trong thỏa thuận tín dụng khí hậu trị giá 50 triệu EUR để hỗ trợ các dự án về biến đổi khí hậu. Tương tự, SeABank hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, thu hút gần 850 triệu USD nhằm phát triển tài chính xanh, đồng thời phát hành trái phiếu xanh với tổng giá trị 150 triệu USD cho các dự án liên quan đến biển và môi trường.
OCB cũng ký kết thỏa thuận với IFC, trong đó giai đoạn đầu, IFC giải ngân 150 triệu USD cho OCB để cung cấp các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững. Các khoản tín dụng này không chỉ là vốn vay thông thường mà còn mang sứ mệnh hỗ trợ cho các mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng đến một nền kinh tế phát triển xanh và bền vững.
Theo Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế xanh. Hiện có 47 tổ chức tín dụng đã phát sinh dư nợ tín dụng xanh, đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. So với thời điểm triển khai tín dụng xanh vào cuối năm 2015, khi dư nợ chỉ ở mức 71 nghìn tỷ đồng, đây là một bước tiến lớn.
Trong tổng dư nợ tín dụng xanh, 47% tập trung vào năng lượng tái tạo, 32% vào nông nghiệp xanh, 11% cho nước sạch, và phần còn lại cho lâm nghiệp. Các khoản vay trung và dài hạn chiếm đến 77% dư nợ xanh. Các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều gói tín dụng xanh phù hợp với định hướng chuyển đổi xanh trong từng lĩnh vực hoạt động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!