Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ người, tương đương hơn 26.000 tỷ USD.
Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp nỗ lực nối lại chuỗi cung ứng và phục hồi sản xuất kinh doanh, RCEP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hồi phục này.
Cụ thể, ngành dệt may của Việt Nam sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc, là nước nằm ngoài các hiệp định thương mại tự do trước đây, nên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không đáp ứng điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, với RCEP, bài toán về quy tắc xuất xứ hàng hóa trở nên dễ dàng hơn.
Các nước trong RCEP hiện chiếm 40% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Các đối tác trong RCEP phần lớn là các nước cung cấp nguyên phụ liệu của ta, nên đây là yếu tố khiến việc đáp ứng quy tắc xuất xứ của RCEP dễ dàng hơn", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, nhấn mạnh.
Các nước trong RCEP hiện chiếm 40% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Quy tắc xuất xứ hàng hóa lỏng hơn sẽ giúp gia tăng xuất khẩu ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hay New Zealand…
Còn về nhập khẩu, các nước RCEP hiện chiếm 75% thị phần và con số này cũng có thể tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc Việt Nam gặp cú sốc về nhập siêu là một lo lắng quá mức.
"Các cam kết trong RCEP về ưu đãi thuế hiện ở mức tương tự như các hiệp định chúng ta đã mở cho các nước RCEP. Lộ trình của nó tương đối dài, 15 - 20 năm. Một số trường hợp nhất định thì việc nhập khẩu từ các nước RCEP là cơ hội để gia tăng sản xuất xuất khẩu", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, cho biết.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, RCEP sẽ giúp các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam giữ vững vị thế thu hút sản xuất trong bối cảnh đại dịch đã thúc đẩy xu hướng dịch chuyển sản xuất của các công ty nước ngoài.
"Với việc tham gia vào RCEP, các công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa tại Việt Nam khi giao thương với các đối tác trong RCEP sẽ chỉ cần theo một bộ quy tắc chung về xuất xứ, vừa được hưởng mức thuế thấp hơn vừa có thủ tục thông quan dễ dàng hơn nhờ RCEP", ông Luke Hong, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), nhận định.
Các chuyên gia đều khuyến nghị, doanh nghiệp cần nhìn nhận RCEP như một cửa ngõ mới, mở ra cơ hội tiếp cận khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, nhưng RCEP không thay thế hay chồng chéo lên các FTA khác, chỉ là thêm một lựa chọn. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ và so sánh các điều khoản giữa các FTA để chọn ra con đường phù hợp nhất cho hàng hóa của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!