RCEP “mở đường” cho dệt may chinh phục nhiều thị trường lớn

Mai Phương-Thứ sáu, ngày 07/01/2022 11:20 GMT+7

VTV.vn - Với RCEP, cơ hội của ngành dệt may là thị trường lớn, nhưng mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu cũng dễ chịu hơn so với EVFTA hay CPTPP.

Mục tiêu của ngành dệt may trong năm nay là đạt kim ngạch khoảng 43 tỷ USD, vì vậy việc tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết: EVFTA, CPTPP và mới đây nhất là RCEP… được xem là cách hiệu quả để hiện thực hóa mục tiêu này. Trong đó, RCEP mang lại nhiều lợi thế nhờ nguyên tắc xuất xứ cộng gộp.

Với các hiệp định cũ như Việt Nam - Nhật Bản hay CPTPP, không có sự tham gia của Trung Quốc hay Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định, với độ lớn nhất về quy mô, RCEP chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhật Bản vốn là thị trường truyền thống của Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú. Vì vậy, khi RCEP có hiệu lực, doanh nghiệp cũng không giấu tham vọng chinh phục thêm nhiều thị trường khó tính khác trong khối. Các bước hiện nay là đang thăm dò nhu cầu khách hàng ở các thị trường mới xem có phù hợp với chủng loại sản phẩm mà doanh nghiệp đang kinh doanh.

RCEP “mở đường” cho dệt may chinh phục nhiều thị trường lớn - Ảnh 1.

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng cho đến hết quý 1 năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"New Zealand và Australia là 2 thị trường chúng tôi đang nhắm tới. Tuy nhiên, trước đó khi hiệp định chưa có hiệu lực, xuất khẩu vào giá cũng khó cạnh tranh. Khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, mình cũng phải cân nhắc để quay trở lại tìm đối tác và mở rộng thị trường", bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú, cho biết.

Với RCEP, cơ hội của ngành dệt may là thị trường lớn, nhưng mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu cũng dễ chịu hơn so với EVFTA hay CPTPP. Đặc biệt, Hiệp định RCEP sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành dệt may tăng cường xuất khẩu vào thị trường tỷ dân Trung Quốc.

"Chúng tôi đang đưa một số sản phẩm xu hướng vào Trung Quốc. Người Trung Quốc rất cần sản phẩm ngoại nhập có chất lượng, đi đúng xu hướng và văn hóa", ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Thắng Jean, cho hay.

Với nhiều thị trường mới, hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm 2022.

"Chúng tôi đặt niềm tin và đưa ra mục tiêu cho năm 2022 là ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu 43 tỷ. Các hiệp định thương mại tác động trong việc tăng các đơn hàng của Việt Nam vì dòng thuế là một trong những xu thế. Công nghiệp dệt may chúng tôi đầu tư vào phần cung thiếu hụt và những giải pháp về liên kết chuỗi để tạo ra sự bền vững, phát triển ổn định", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận định.

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng cho đến hết quý 1 năm nay, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý 2. Dự báo Hiệp định RCEP có thể hỗ trợ ngành dệt may có thêm thị trường để vượt khó khăn và ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dệt may Việt Nam vượt khó 'chuyển mình' ấn tượng Dệt may Việt Nam vượt khó "chuyển mình" ấn tượng

VTV.vn - Năm 2021 là năm khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 128 được ban hành doanh nghiệp dệt may đã phục hồi mạnh mẽ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước