Quản lý thực thi luật pháp khu vực châu Á: Chống tội phạm rửa tiền

Quỳnh Anh-Thứ ba, ngày 11/06/2013 22:04 GMT+7

Ảnh: VTV News

 Sáng nay (11/6), tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai giảng chương trình Quản lý thực thi luật pháp khu vực châu Á lần thứ 31 với chủ đề “Chống tội phạm rửa tiền”.

Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cảnh sát quốc tế và Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Chương trình đào tạo kéo dài 3 tuần với sự tham gia của 22 cán bộ thực thi luật pháp đến từ 18 quốc gia trong khu vực châu Á, với mục tiêu xây dựng mạng lưới giữa các cơ quan cảnh sát trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự hợp tác này rất cần thiết trong công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội khỏi mạng lưới tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia đang ngày một trở nên tinh vi và phức tạp như tội phạm ma túy, tội phạm rửa tiền, tội phạm mạng, tội phạm khủng bố và buôn bán người.

Bên lề của buổi lễ, phóng viên Đài THVN đã có cuộc trao đổi nhanh với Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an Việt Nam về những tác động của tội phạm rửa tiền đến nền kinh tế Việt Nam.

Thưa ông, ông có thể cho biết tác hại hoạt động rửa tiền đối với nền kinh tế là gì?

- Tội phạm rửa tiền trên thế giới đã xuất hiện từ lâu, nhưng đối với Việt Nam vẫn còn mới. Hiện hoạt động của loại tội phạm này tác động đến nền kinh tế, nền tảng của hoạt động tài chính, ngân hàng, trong quan hệ giữa con người với con người và đạo đức của con người. Thậm chí tội phạm tham nhũng, buôn bán ma tuý, buôn bán vũ khí… đều liên quan đến hoạt động rửa tiền.

Về phía Bộ Công an Việt Nam, chúng ta đã có chiến lược gì để phối hợp với cơ quan khác trên thế giới nhằm thâu tóm những nhóm tội phạm rửa tiền?

- Hệ thống pháp luật của Việt Nam đang được xây dựng để phòng chống tội phạm rửa tiền và ở Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an, cảnh sát và các ngành ngân hàng, tài chính… Đối với quốc tế, chúng ta đã cử rất nhiều đoàn nghiên cứu tham gia vấn đề này, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp đấu tranh thông qua các kênh như Interpol, trung tâm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của Việt Nam, Australia và một số nước.

Việt Nam là một nền kinh tế sử dụng rất nhiều tiền mặt, giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng lại không bị kiểm soát nguồn gốc. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để kiểm soát tình trạng này?

- Tiến tới cơ chế nền kinh tế không dùng tiền mặt, người Việt Nam phải làm quen với điều đó mặc dù có nhiều khó khăn. Quan trọng hơn cần phát triển khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ cao, xây dựng lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm lợi dụng internet, cảnh báo cho người dân có tội phạm rửa tiền xảy ra ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước