Những chuyến hàng dừa tươi đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cuối tháng 10 vừa qua. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, xuất khẩu dừa sang Trung Quốc có thể mang về thêm 200 - 300 triệu USD ngay trong năm nay, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam sớm đạt mốc 1 tỷ USD.
Mở rộng thị trường tiêu thụ dừa
Bình Định, địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất miền Trung, cũng đã sẵn sàng cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có khoảng 1.200 ha dừa xiêm. Huyện cũng vừa được phía hải quan Trung Quốc kiểm tra và cấp mã số đối với 3 vùng trồng tại xã Cát Hiệp và một vùng trồng ở xã Cát Trinh. Trước cơ hội mới, huyện Phù Cát đang hướng tới khuyến khích bà con mở rộng vùng trồng dừa theo hướng hữu cơ, tạo sinh kế bền vững.
Việc dừa tươi chính ngạch được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giúp giá dừa uống nước tăng cao và ổn định hơn. Điều này sẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân, từ đó khuyến khích họ mở rộng diện tích trồng dừa, đảm bảo sự phát triển bền vững, ngoài ra cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân.
Toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 9.300 ha diện tích trồng dừa, trong đó có khoảng 2.500 ha dừa xiêm có tiềm năng để xuất khẩu. Định hướng của tỉnh là đến năm 2030 sẽ phát triển diện tích trồng dừa lên 10.000 ha, trong đó có hơn 1/3 trồng dừa xiêm theo hướng hữu cơ, chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất.
Đến nay, hải quan Trung Quốc đã kiểm tra và đồng ý cấp mã số đối với 5 vùng trồng dừa xiêm trên địa bàn tỉnh (huyện Phù Cát 4 mã số, huyện Hoài Ân 1 mã số) với tổng diện tích hơn 62 ha, đồng thời tiếp tục hướng dẫn các địa phương còn lại xây dựng mã số vùng trồng hướng đến xuất khẩu.
Nâng cao giá trị xuất khẩu từ dừa hữu cơ
Trung Quốc hiện nhập khẩu dừa từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, đạt hơn 111 nghìn tấn. Để nâng cao giá trị cho quả dừa xuất khẩu, cần phải trồng dừa theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
4 năm trở lại đây, bà Nguyễn Thị Trí tại phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh bình Định tham gia vào mô hình trồng dừa hữu cơ. Áp dụng mô hình này, gia đình bà chỉ dùng phân mụn dừa, phân chuồng và tưới nước cho cây. Với khu vườn khoảng 500 m2 trồng 50 gốc dừa nhưng mỗi đợt bà thu hoạch hơn 2500 quả.
Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc An là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng chuỗi liên kết từ khâu trồng, sản xuất đến tiêu thụ tại tỉnh Bình Định. Hiện nay, hợp tác xã đã quy hoạch vùng dừa nguyên liệu ch0 200 hộ với 5 nghìn cây dừa theo hướng trồng hữu cơ. Dừa quả được đơn vị thu mua dung để sản xuất dầu dừa và bánh tráng, nhằm nâng cao giá trị của quả dừa.
Để đảm bảo cây dừa phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định định hướng các vùng trồng tập trung áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ và VietGAP. Đồng thời, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Tỉnh Bình Định đang xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp về Bình Định đầu tư nhà máy sơ chế, làm đầu mối thu mua và tham gia chuỗi liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm dừa để xuất sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ sở để dừa tươi Bình Định đảm bảo yêu cầu cấp mã số cơ sở đóng gói và triển khai thực hiện các tiêu chuẩn cho trái dừa phù hợp với thị trường Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!