Phó Thống đốc: Ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền"

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 08/09/2023 09:05 GMT+7

VTV.vn - Lãi suất cho vay thực chất cũng là "giá của loại hàng hóa đặc biệt" trong bối cảnh tình hình khó khăn mà giá cao sẽ khiến người "mua" (đi vay) e ngại.

Doanh nghiệp "không muốn vay"

Phát biểu tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đánh giá chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ.

Theo ông Tú, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.

Phó Thống đốc: Ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực… Bên cạnh đó là ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… Tuy nhiên theo ông Tú, việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn.

"Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay", đây là vấn đề rất khó đối với Ngân hàng Nhà nước", Phó Thống  đốc nhấn mạnh.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Lãi suất cho vay trung dài hạn khoảng 10-12% là hợp lý

Về thực trạng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 thấp, TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng cho rằng xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo đó, nguyên nhân tác động bên ngoài là do khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, khiến tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, các đơn hàng giảm, nên xuất khẩu có giảm. Bên cạnh đó, các yếu tố như lãi suất các nền kinh tế cũng tăng cao, tác động gián tiếp vào sự hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam.

Cùng với đó thị trường vốn sau sự cố liên quan đến sai phạm của các nhà đầu tư bị phát hiện từ năm 2022, các vụ việc như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát ít nhiều tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư nên việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khó khăn. Do đó, vốn từ các nhà đầu tư tiếp tục đi vào doanh nghiệp cũng như nền kinh tế còn hạn chế.

Phó Thống đốc: Ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền - Ảnh 2.

Theo TS. Trương Văn Phước, lãi suất cho vay ngắn hạn của VND chỉ nên khoảng 7-8%, cho vay trung dài hạn khoảng 10-12% là hợp lý

Nguyên nhân thứ ba theo ông Phước là vấn đề lãi suất. Trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, Ngân hàng Nhà nước lo ngại tác động bên ngoài làm lạm phát trong nước tăng, lo ngại tỉ giá USD tăng cao nên sử dụng công cụ đưa lãi suất VND lên.

"Có giai đoạn không ít ngân hàng thương mại đẩy lãi suất 12 tháng lên tới hơn 11% làm cho lãi suất cho vay trong nền kinh tế Việt Nam ngắn hạn lên tới 13-15%, trung và dài hạn 17-18%; lạm phát thấp khiến lãi suất thực quá cao, tăng chi phí vốn của doanh nghiệp", ông Phước phân tích.

Theo ông Phước thời gian qua các ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình nhưng lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng.

"Lãi suất cho vay thực chất cũng là "giá của loại hàng hóa đặc biệt" nên trong bối cảnh tình hình khó khăn mà giá cao sẽ khiến người "mua" (đi vay) e ngại. Đó cũng là một nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp", ông Phước nhấn mạnh.

Ông Phước cho rằng năm 2023, lạm phát chỉ ở mức khoảng 3-4% thì lãi suất cho vay ngắn hạn của VND chỉ nên khoảng 7-8%, cho vay trung dài hạn khoảng 10-12% là hợp lý.

"Cần có phác đồ điều trị"

Về giải pháp, theo TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước cần đóng vai trò lớn hơn trong việc gia tăng niềm tin thị trường liên ngân hàng cho các tổ chức tín dụng lớn dư thừa thanh khoản cho vay tổ chức tính dụng nhỏ. Đó là giải pháp kéo lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay thấp xuống, kéo "giá bán" hàng hóa xuống, thì sẽ có nhiều người mua.

Ông Phước cũng thẳng thắn cho rằng, các chính sách Ngân hàng Nhà nước không nên can thiệp quá nhiều vào các "hành vi tín dụng".

"Khi khám chữa bệnh, việc chính của bác sĩ là căn cứ các chỉ số sức khỏe như huyết áp, máu, đường... để có phác đồ điều trị chứ không bắt bệnh nhân hằng ngày ăn mấy bát cơm, ăn mấy lạng thịt. Bảo đảm an toàn hệ thống cũng vậy", ông Phước ví von.

Phó Thống đốc: Ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền - Ảnh 3.

TS. Trương Văn Phước cho rằng các chính sách Ngân hàng Nhà nước không nên can thiệp quá nhiều vào các "hành vi tín dụng

Theo ông Phước, không phải kiểm soát ngân hàng nào được cho vay bao nhiêu, hay thu hẹp đối tượng vay mà phải theo chuẩn cho vay đặt ra, bám sát chuẩn mực quốc tế, để tổ chức tín dụng tự cho vay tự chịu trách nhiệm cùng với dứt khoát nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.

Bên cạnh kênh tín dụng, ông Trương Văn Phước cho rằng dù đã có những bước chấn chỉnh cần thiết song việc triển khai các giải pháp, tốc độ củng cố tạo lập niềm tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chậm.

"Một kinh nghiệm quốc tế phổ biến là các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần xếp hạng tín nhiệm, qua đó, phân loại trái phiếu phát hành có tài sản hoặc không tùy vào tín nhiệm nhưng Việt Nam vẫn chưa triển khai hiệu quả để kích hoạt thị trường mạnh mẽ hơn", ông Phước nhấn mạnh.

Cuối cùng ông Phước cho rằng cần tạo niềm tin đối với thị trường về ổn định tỉ giá hối đoái, ổn định lãi suất. Bản thân ngành ngân hàng phải có trách nhiệm tạo ra sự ổn định thông qua công tác truyền thông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước