Tại Quảng Nam, hoạt động đánh bắt thủy hải sản tập trung tại 6 huyện, thành phố là Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ và Hội An với hơn 10.000 lao động nghề cá. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 4 nghiệp đoàn nghề cá được hình thành với 648 đoàn viên (chiếm 0,6%).
Trong kế hoạch năm 2014, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam sẽ hỗ trợ đóng mới từ 10- 15 tàu, nhằm từng bước hình thành đội tàu công suất lớn vươn khơi. Song song với việc hỗ trợ ngư dân cải hoán đóng mới tàu thuyền, việc hình thành các nghiệp đoàn nghề cá đã được xúc tiến tại 10 xã ven biển có hoạt động đánh bắt ở ngư trường Hòang Sa và Trường Sa, hỗ trợ ngư dân cả trên bờ và trên biển.
Để các nghiệp đoàn nghề cá hoạt động hiệu quả và đúng hướng, Liên đoàn lao động cấp tỉnh và huyện, thành phố của tỉnh Quảng Nam đã thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng quy chế hoạt động, hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, đồng thời tổ chức tuyên truyền thông qua phương tiện thu phát sóng khi ngư dân đang đánh bắt xa bờ. Cũng nhờ tham gia nghiệp đoàn mà ngư dân đã biết xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa chủ tàu và ngư dân, cũng như giữ được mối đoàn kết trên biển giữa các tàu cá vì lợi ích chung và chủ quyền biển đảo.
Thực tế tại Quảng Nam cho thấy, khi tham gia nghiệp đoàn, ngư dân có thể thay đổi được tâm lý, tập quán sản xuất nhỏ lẻ để có thể đầu tư đóng mới, cải hoán nâng công suất của tàu cá. Thông qua nghiệp đoàn nghề cá, các địa phương cũng sẽ có “kênh” để huy động vốn và đề xuất đóng mới tàu hậu cần trên biển. Đây được ví như là các điểm tựa, giúp tăng thêm niềm tin của ngư dân trong các chuyến biển và quan trọng nhất là các nghiệp đoàn sẽ động viên, hỗ trợ ngư dân ngày đêm kiên trì bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.