Phân cấp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông - Giải pháp đột phá vì mục tiêu 5.000 km cao tốc

Trần Hiền, Đức Chung-Thứ tư, ngày 07/07/2021 11:50 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện phân cấp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Theo đó, quốc lộ, cao tốc đi qua tỉnh, thành nào thì sẽ giao cho địa phương đó làm chủ đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Đây được đánh giá là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển 5.000 km cao tốc đến năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu này, trong 10 năm tới sẽ có gần 4.000 km đường cao tốc phải được đầu tư xây dựng. Như vậy, tốc độ triển khai được đánh giá là gấp đến 8 lần so với con số đã thực hiện trong 20 năm qua.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong bối cảnh ngân sách trung ương hạn hẹp, việc giao cho các tỉnh, thành đứng ra làm chủ đầu tư và nguồn vốn địa phương sẽ là "vốn mồi" quan trọng.

Phân cấp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông - Giải pháp đột phá vì mục tiêu 5.000 km cao tốc - Ảnh 1.

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Trị. (Ảnh: Báo Đầu tư)

"Các dự án qua các tỉnh, thành phố thì có thể giao cho các tỉnh, thành phố này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải dành phần ngân sách địa phương vào để làm công tác giải phóng mặt bằng. Sau đó có mặt bằng sạch, chúng ta sẽ thu hút đầu tư thông qua xã hội hóa kêu gọi đầu tư", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Theo chuyên gia, xuất phát từ thực tế khi có các tuyến đường quốc lộ, cao tốc đi qua, địa phương sẽ có thêm cơ hội tăng nguồn thu ngân sách từ việc chuyển mục đích sử dụng đất. Theo quy định, địa phương sẽ được giữ lại nguồn tiền này. Do vậy, việc trích ra một phần từ ngân sách địa phương để quay lại đầu tư cho hạ tầng giao thông là hợp lý.

"Bản chất vẫn là ngân sách vì tiền chuyển mục đích sử dụng đất để lại cho địa phương về bản chất vẫn là ngân sách, vẫn được thể hiện trên báo cáo quyết toán ngân sách trước Quốc hội. Đó là ngân sách địa phương chứ không phải ngân sách Trung ương. Tuy nhiên bây giờ chúng ta tiến thêm một bước, chúng ta định ra đúng là ngân sách trung ương, tôi cho ông thu nhưng ông thu chỉ được làm những việc này thôi, tức là chỉ được làm công trình giao thông, chứ không được mang cái đấy đi làm việc khác", ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, về vốn đầu tư có thể giao cho địa phương tự chủ động từ nguồn ngân sách và huy động từ các nguồn lực xã hội khác. Tuy nhiên việc quy hoạch tổng thể các tuyến đường và các yếu tố kỹ thuật xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải vẫn sẽ đứng ra quản lý.

Bộ Giao thông 'khước từ' đề nghị xây dựng sân bay của 11 địa phương Bộ Giao thông "khước từ" đề nghị xây dựng sân bay của 11 địa phương

VTV.vn - Trong quá trình xây dựng quy hoạch sân bay, 11 tỉnh đề nghị bổ sung sân bay cho địa phương mình.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước