Nước Mỹ thời COVID-19: Người dân "thắt lưng buộc bụng", các đại gia bán lẻ "khuynh gia bại sản"

Lê Tuyển, Hoàng Hải (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ tư, ngày 08/07/2020 11:38 GMT+7

Dịch bệnh khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu nhiều hơn. (Ảnh minh họa: GETTY)

VTV.vn - Nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân Mỹ giảm mạnh trong thời kỳ dịch bệnh khiến nhiều hãng bán lẻ phải chấp nhận phá sản.

Theo số liệu mới công bố, từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, lượng mua sắm của người Mỹ đã giảm 82,6%. Từ giữa tháng 4 tới cuối tháng 5, tỷ lệ này hồi phục 2/3, nhưng đến cuối tháng 6 lại quay đầu lao dốc trở lại khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều bang. Vậy việc giảm chi tiêu của người dân Mỹ đang có tác động như thế nào tới các hoạt động kinh doanh và với chính bản thân họ?

Thời kỳ dịch bệnh, nhu cầu mua sắm của người dân Mỹ đã giảm mạnh, chỉ còn tập trung vào những hàng hóa thiết yếu. Vì vậy, nhiều hãng bán lẻ - vốn đã điêu đứng khi hình thức bán hàng trực tuyến thịnh hành, thêm vào đó là cú sốc từ dịch bệnh - phải chấp nhận phá sản.

Trang NBC thống kê, từ khi đại dịch bùng phát tới đầu tháng 7, nước Mỹ đã có gần 20 thương hiệu đình đám phải đệ đơn xin phá sản. Trong đó một nửa là các thương hiệu bán lẻ từng là biểu tượng một thời như: JCPenney, Neiman Marcus hay J.Crew… 

Nước Mỹ thời COVID-19: Người dân thắt lưng buộc bụng, các đại gia bán lẻ khuynh gia bại sản - Ảnh 1.

Một cửa hàng của Neiman Marcus. (Ảnh: Shutterstock)

Như hiệu ứng Domino, tờ Thời báo New York cho biết, các thương hiệu bán lẻ phá sản dẫn tới nhiều trung tâm mua sắm cũng khó trụ vững. Bởi các cửa hàng bán lẻ chiếm khoảng 30% diện tích của các khu mua sắm, 10% trong số đó thuộc về các ông lớn đã và vừa phá sản như SEARS hay JCPenney. Theo dự báo, khoảng 1/4 các trung tâm mua sắm trên toàn nước Mỹ có thể phải đóng cửa hoàn toàn.

Sự ra đi của các thương hiệu bán lẻ truyền thống đã được dự báo từ lâu, dịch bệnh ập đến khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn, khiến các hãng không kịp trở tay. Tuy nhiên ở một góc độ khác, sự dè sẻn trong chi tiêu của người dân, tiêu đúng vào những thứ mình cần lại được cho là góc độ tích cực từ hiện tượng này.

Nước Mỹ thời COVID-19: Người dân thắt lưng buộc bụng, các đại gia bán lẻ khuynh gia bại sản - Ảnh 2.

Từ khi đại dịch bùng phát tới đầu tháng 7, Mỹ có gần 20 thương hiệu đình đám phải đệ đơn xin phá sản. (Ảnh: Forbes)

Theo Bloomberg, dịch bệnh đã làm thay đổi người tiêu dùng và các hình thức kinh doanh. Người tiêu dùng không còn chi nhiều cho hàng thời trang, xa xỉ, bởi có dùng cũng không ai ngắm. Họ đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe. Nếu như Nike, Adidas làm ăn khó khăn, thì thương hiệu mới chuyên về giày chạy như ON, được tay vợt Roger Federer đầu tư, lại bùng nổ doanh thu. Doanh số bán hàng trực tuyến của hãng tăng gấp 3 lần đến tháng 5 vừa qua, khi người tiêu dùng đầu tư cho việc chạy bộ, rèn luyện sức khỏe trong mùa dịch.

Trang tài chính của Yahoo lại cho rằng dịch bệnh cũng là cơ hội để người tiêu dùng tiết kiệm nhiều hơn. Thay vì thói quen mua sắm những đồ thời trang không thực sự cần, người Mỹ tăng tiết kiệm. Tỷ lệ tiết kiệm từ 8,2% trong tháng 2 lên 33% trong tháng 4. Đến tháng 5, họ chi tiêu nhiều hơn do một số bang đã mở cửa, nhưng tỷ lệ tiết kiệm vẫn giữ ở mức hơn 23%. Đây là các mức mức tiết kiệm cao chưa từng có với người Mỹ.

Với số tiền tiết kiệm được, người thì để phòng khi dịch bùng phát trở lại, người thì phòng bị đuổi việc, phòng lúc nghỉ hưu khó khăn, và cũng có nhiều người tiết kiệm để đầu tư được nhiều hơn vào các thị trường có thể sinh lời trong mùa dịch.

Microsoft đóng cửa vĩnh viễn các cửa hàng bán lẻ Microsoft đóng cửa vĩnh viễn các cửa hàng bán lẻ

VTV.vn - Mới đây, Tập đoàn Microsoft thông báo sẽ đóng cửa tất cả 83 các cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu và chuyển sang hoạt động bán hàng trực tuyến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước