Năm 2024, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà. Theo thống kê, năm 2024 Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Ủy viên TW Đảng - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ về chiến lược phát triển và mục tiêu trong năm 2025 của ngành nông nghiệp nước ta.
Có thể nói, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung; xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Sau cơn bão Yagi mới thấy rằng, nông nghiệp trở thành điểm tựa của nền kinh tế. Sự phục hồi nhanh sau cơn bão Yagi của bà con nông dân, ngư dân hay của các doanh nghiệp đã giữ vững mức tăng trưởng cao để đạt những thành tựu vượt bậc.
Quả vải Việt Nam đã xuất hiện tại nhiều thị trường khó tính, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Hải Hưng.
PV: Chuyển đổi tư duy để phát triển nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển, tích hợp đa giá trị. Bộ trưởng có nhận định gì về vấn đề này?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong năm 2024 và những năm gần đây, nền nông nghiệp có nhiều tác động theo chiều thuận đóng góp cho sự tăng trưởng của quốc gia. Các sản phẩm từ nông nghiệp đã trở thành lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Mọi sự tăng trưởng, mọi kim ngạch là có thật, nó ở lại trong đất nước, ở trong túi tiền của người nông dân hay lợi nhuận của doanh nghiệp.
Có được những thành tựu đó là do chiến lược chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Chính phủ và của ngành. Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu chế biến, chuyển từ hướng thụ động sang chủ động với thị trường: chúng ta mở cửa thị trường, tìm đến những thị trường mới và chủ động trong cách tiếp cận tiêu chuẩn, quy chuẩn, những đặc định của từng thị trường.
Cần lan tỏa và sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế. Tư duy thay đổi, hành động thay đổi, khi đó các cơ chế chính sách sẽ vận động theo. Nông nghiệp không đơn thuần là nông nghiệp mà nông nghiệp đã tích hợp cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực từ đó mới cộng hưởng ra giá trị. Nếu chúng ta cứ nghĩ đơn giản chỉ là những con số sản lượng, kim ngạch thì có thể nó đã tới giới hạn về không gian phát triển. Chúng ta cần có tầm nhìn dài hơi, liên kết các ngành hàng bền vững, từ tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao hơn nữa và tích hợp đa giá trị trong kinh tế nông nghiệp.
Bộ Trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với Phóng viên Thời báo VTV trước thềm xuân mới 2025. Ảnh: Hải Hưng.
Thưa Bộ trưởng, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp nào để nông nghiệp phát triển đồng bộ, đặc biệt trong việc nâng cao giá trị gia tăng và đa giá trị trong toàn ngành?
Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và việc đổi mới tư duy để vượt qua khó khăn, thách thức nhằm đạt các mục tiêu phát triển. Mặc dù bị thiệt hại nặng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành vẫn đạt trên 3,1%. Triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản. Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào. Tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao.
Ngành nông nghiệp đã cấu trúc lại hệ sinh thái ngành hàng – cấu trúc lại khâu sản xuất để bớt đi những người nông dân nhỏ lẻ. Có thể kể đến mô hình của Thái Bình hay của Hải Dương hoặc ở Hải Phòng với Câu lạc bộ Đại điền, tức là những hợp tác xã thuê đất của nông dân để làm mô hình nông nghiệp, từ đơn giá trị qua đa giá trị trên một đơn vị diện tích.
Chiến lược phát triển nông thôn hiện nay là phát triển kinh tế nông thôn bao gồm kinh tế nông nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp, kinh tế dịch vụ, kinh tế du lịch, kinh tế làng nghề và những cái tạo ra những các sản phẩm khác.
Ngành nông nghiệp thực hiện cấu trúc nông thôn, cấu trúc nông dân thành hệ sinh thái ngành hàng, thành hợp tác xã có quy mô lớn và đa dịch vụ. Hợp tác xã chính là người hướng dẫn người nông dân quy trình canh tác làm sao tối ưu hóa sản phẩm, thay đổi tư duy người nông dân, tiến tới chuyển đổi số. Bản thân hợp tác xã phải tạo ra đa dịch vụ trong đó mới gắn kết được người nông dân.
Để ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phát triển trong năm 2025, thể hiện là trụ đỡ, là điểm tựa của nền kinh tế thì ngành cần có những chiến lược và đột phá gì để đạt được những thành quả như các năm gần đây? Bộ trưởng có thể chia sẻ mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2025?
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.
Năm 2025 là năm cuối ngành nông nghiệp tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp 5 năm (2021 – 2025) và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; toàn ngành sẽ tập trung tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn và nông dân văn minh. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CTPPP cho hàng nông sản Việt Nam với một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,1 – 3,3%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 63 - 65 tỷ USD.
Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu, chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường. Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn để phát triển kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!