Nikkei: Việt Nam là nền kinh tế duy nhất "chiến thắng" đại dịch ở ASEAN

Theo Dân trí-Thứ năm, ngày 19/11/2020 20:35 GMT+7

Nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục nhanh hơn so với những nơi khác trong khu vực. Ảnh minh họa: FT

VTV.vn - Theo Nikkei, Việt Nam đang trở thành câu chuyện kinh tế thành công duy nhất của Đông Nam Á trong kỷ nguyên COVID-19.

Trong khi các nền kinh tế khác trong khu vực vẫn đang vật lộn để phục hồi từ đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ổn định. Quý 3/2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt mức 2,6%, đánh dấu mức tăng trưởng quý thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh đại dịch.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP danh nghĩa của Việt Nam hiện tăng lên vị trí thứ 4 trong nhóm các nước khu vực Đông Nam Á, vượt qua cả Singapore, Malaysia và Philippines.

Trái ngược với các nền kinh tế khác trong ASEAN, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát virus corona. Kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi tăng trưởng xuất khẩu và được hưởng lợi nhờ các doanh nghiệp lớn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Đến tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 26,7 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ tăng khoảng 3-4%.

Cuối tháng 10 vừa qua, một siêu tàu container do hãng Maersk vận hành lần đầu tiên đã cập cảng Cái Mép - cảng lớn nhất ở khu vực phía Nam. Trước đây, các tàu này thường chọn các cảng lớn trong khu vực như Singapore làm nơi tập kết.

Nikkei: Việt Nam là nền kinh tế duy nhất chiến thắng đại dịch ở ASEAN - Ảnh 1.

Đến tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 26,7 tỷ USD. Hình minh họa.

Tuy nhiên, khi hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ngày càng sôi động, nhu cầu vận tải biển gia tăng, các hãng tàu lớn trên thế giới không thể bỏ qua thị trường này. Điều đó cho phép hàng hoá của Việt Nam giảm được chi phí và rút ngắn thời gian vận chuyển, qua đó có thể cạnh tranh tốt hơn, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng nhiều hơn.

Theo Nikkei, Việt Nam cũng được hưởng lợi nhờ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi các nhà sản xuất chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ.

Hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia và cả các doanh nghiệp Trung Quốc đều chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, có tay nghề cao.

Công ty sản xuất điện thoại thông minh Samsung Electronics cũng có ý định chuyển hoạt động sản xuất máy tính cá nhân sang Việt Nam khi đóng cửa một nhà máy ở Trung Quốc.

Cho đến nay, Việt Nam mới công bố có khoảng 1.300 trường hợp nhiễm virus corona. Việt Nam vẫn đang tiếp tục giảm thiểu những tác động của đại dịch đối với nền kinh tế. Việt Nam đã áp đặt lệnh giãn cách xã hội trên toàn quốc chỉ trong ba tuần vào tháng 4 và hiện hoạt động sản xuất đã bình thường đã trở lại. Theo đánh giá của Nikkei, nền kinh tế đã hồi phục nhanh hơn so với những nơi khác trong khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp được hạn chế và chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm 70% GDP, vẫn ổn định.

Nikkei: Việt Nam là nền kinh tế duy nhất chiến thắng đại dịch ở ASEAN - Ảnh 2.

Xuất khẩu gia tăng và việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bất chấp đại dịch. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, các quốc gia khác trong ASEAN vẫn chưa thoát khỏi sự sụt giảm do tác động của đại dịch. Theo dự đoán của IMF, tăng trưởng GDP cả năm nay của Việt Nam sẽ ở mức 1,6%, trong khi Singapore và Malaysia giảm 6%, Thái Lan giảm 7,1%.

Nền kinh tế của Malaysia đã đánh dấu mức sụt giảm 2,7% trong quý 3 vừa qua. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ, nơi đóng góp gần 60% GDP của nước này, cũng giảm 4%.

Hồi đầu tuần, Thái Lan cũng đã công bố dữ liệu kinh tế cho thấy GDP nước này tiếp tục giảm 6,4%, đánh dấu quý giảm thứ 3 liên tiếp.

GDP bình quần đầu người của Việt Nam hiện khoảng 3.500 USD/người, thấp hơn so với mức 58.500 USD/người của Singapore và 10.200 USD/người của Malaysia. Tuy nhiên, đại dịch đang làm thay đổi trật tự kinh tế của khu vực này.

Ở Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, số lượng các ca lây nhiễm COVID-19 đang tăng lên mức cao mới trong khi từ tháng trước Malaysia đang phải vật lộn với làn sóng COVID-19 thứ hai.

Theo Nikkei, chừng nào mức độ lây nhiễm còn cao thì các hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục đình trệ do người tiêu dùng hạn chế ra ngoài, do đó, sự phục hồi kinh tế ngày càng lâu hơn.

Dự báo của Nikkei cho thấy, mặc dù một số nền kinh tế trong ASEAN được dự doán sẽ hồi phục mạnh trong năm tới, nhưng Việt Nam vẫn là nền kinh tế duy nhất có mức tăng trưởng dương trong nửa đầu năm 2021. Song điều này vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch.

Nikkei cũng nhận định, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden được cho là vẫn sẽ duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, song nếu ông Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc thì việc di dời hoạt động sản xuất sang Việt Nam có thể chậm lại.

WB: Việt Nam là nền kinh tế sôi động bất chấp ảnh hưởng từ COVID-19 WB: Việt Nam là nền kinh tế sôi động bất chấp ảnh hưởng từ COVID-19

VTV.vn - Đây là nhận định của Tiến sỹ Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước