Nhộn nhịp chợ Tết online

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 30/01/2024 22:33 GMT+7

VTV.vn - Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, đặc sản Tết năm nay còn được đưa lên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm.

Hàng trong nước được ưa chuộng

Các giỏ quà nông sản Việt đang là xu hướng lựa chọn của nhiều người tiêu dùng khi ngày càng được chăm chút hơn cả về vẻ ngoài lẫn chất lượng bên trong.

Chị Nguyễn Thị Bích Diệp - Huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, chị mua tặng khách nên ưu tiên hàng tốt cho sức khoẻ. Trong đó, hàng Việt Nam thiết kế bắt mắt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Anh Nguyễn Anh Dũng ở Long Biên, Hà Nội cũng đồng ý kiến khi năm nay, anh cũng ưu tiên lựa chọn hàng Việt có giá cả phù hợp với túi tiền, bên cạnh đó, mẫu mã của bánh kẹo Việt Nam đã có nhiều đổi mới.

Không chỉ là bánh mứt kẹo, mà trái cây, nông sản cũng được các nhà cung cấp lựa chọn kĩ càng, thiết kế bắt mắt mang đậm chất Việt để hấp dẫn người tiêu dùng, đặc biệt là những sản phẩm thương hiệu OCOP của các địa phương.

Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc Điều hành Khối cửa hàng Big C và Go khu vực miền Bắc chia sẻ: "Thời điểm này, tất cả các công tác chuẩn bị cũng như trưng bày hàng hóa tại hệ thống siêu thị đã hoàn tất. Trong đó, chúng tôi ưu tiên hàng Việt Nam với hơn 90% sản phẩm Tết cũng như là hàng hóa từ Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng kịch bản tăng trưởng ở mức 10%".

"Chúng tôi muốn khuyến khích người dân tiêu dùng sử dụng sản phẩm vùng miền, thứ 2 về chất lượng của những sản phẩm vùng miền và làm sao cải thiện ý thức của người dân trong việc sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao" - Bà Lê Thị Minh Tâm - Giám đốc Trung tâm MM Mega Market An Phú, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Thói quen mua sắm mùa Tết của người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi theo hướng tiêu dùng thông minh hơn. Với việc chuẩn bị sớm, cùng khuyến mãi sâu, các nhà bán lẻ kỳ vọng sức mua giỏ quà Tết cùng các mặt hàng nông sản Việt năm nay sẽ khả quan.

Từ sau Rằm tháng Chạp là không khí mua bán càng nhộn nhịp. Người tiêu dùng chú ý đến các sản phẩm OCOP nhiều hơn bởi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được các cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng và quy trình sản xuất và hơn nữa, các mặt hàng OCOP thường là đặc sản của địa phương và có dấu ấn riêng.

Chị Nguyễn Thị Ly - Hà Nội cho rằng, nông sản của Việt Nam giờ rất phát triển, giá phù hợp với thu nhập nên chị luôn ưu tiên chọn hàng Việt. Chị Anh Đào – Hà Nội cũng luôn chọn các cửa hàng uy tín lâu đời để mua.

"Khi đi siêu thị, tôi thấy quầy bán rất nhiều món ngày xưa mẹ hay làm khiến tôi rất nhớ quê và nếu như không thể về quê tôi sẽ gọi cho mẹ để nói con vẫn có những món quê nhà ở đây" - chị Lê Nguyễn Thùy Linh - TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Nhộn nhịp chợ Tết online - Ảnh 1.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Các làng nghề cải tiến phương thức sản xuất

Dù trong năm qua, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, nhưng trong những ngày Tết, mọi người vẫn cố gắng duy trì các giá trị truyền thống phù hợp. Chính vì vậy, những làng nghề truyền thống vẫn luôn sẵn sàng cung cấp ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người dân với nhiều mặt hàng đa dạng mẫu mã và mang sắc màu Tết truyền thống.

Dù có thâm niên trong lĩnh vực tạo hình cho trái cây, nhưng anh Huỳnh Thanh Tâm - Xã An Khánh, Châu Thành, Bến Tre vẫn luôn đi tìm cái mới. Cụ thể là khuôn ốp sao cho sản phẩm làm ra hoàn hảo nhất. Anh cho biết, năm vừa qua, anh đã đưa trái bưởi hình thỏi vàng đi Mỹ và được kiều bào đón nhận nhiệt tình. Năm nay, họ lấy số lượng lớn hơn. Vì đã có khuôn chuẩn nên anh sẽ kết hợp nhà vườn để tạo sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Anh Bùi Văn Sinh - Xã An Khánh, Châu Thành, Bến Tre chia sẻ, anh lựa chọn những trái bưởi tiêu chuẩn để đặt vào khuôn, tăng năng suất, giá trị thành phẩm làm ra.

Bán trái cây tạo hình theo combo cũng là cách giúp nhà vườn tiêu thụ được nhiều hơn, và người tiêu dùng cũng mua được sản phẩm với giá rẻ hơn. Đây cũng là cách để những loại nông sản độc lạ ngày Tết đến gần hơn với người tiêu dùng, thay vì chỉ tập trung cho một phân khúc như trước nay. Đó là cách anh Bùi Văn Thức - Xã Đông Phú, Châu Thành, Hậu Giang lựa chọn.

Còn tại thôn Cổ Đường, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội, những ngày giáp Tết, mùi hương lạc rang quyện với mạch nha thơm lừng khắp các xóm. Các cơ sở sản xuất kẹo dồi kẹo lạc đang hoạt động hết công suất, thậm chí là tăng ca, làm cả buổi tối, bởi lượng hàng phải trả cho khách vào dịp cuối năm nhiều gấp 3, 4 lần so với ngày thường.

Bà Trần Thị Xuân - Cơ sở sản xuất bánh kẹo, thôn Cổ Đường, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: "Cứ làm kẹo dồi 1 ngày, kẹo lạc 1 ngày hoặc kẹo dồi nửa ngày, kẹo lạc nửa ngày, mỗi ngày làm được 3,5 tạ. 8,9 người làm không kịp, sản phẩm làm ra cũng không đủ bán".

Là chủ của 3 sản phẩm OCOP gồm: Bò một nắng, bò 2 nắng và chả bò, gần 1 tháng nay, bà Nguyễn Thị Thúy Liễu - Thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, Phú Yên - tất bật sản xuất để đủ cung ứng cho thị trường Tết. Bình thường mỗi tháng, bà Liễu chỉ sản xuất khoảng 2,5 tấn sản phẩm các loại nhưng tháng giáp Tết sản lượng làm ra khoảng hơn 11 tấn. Bà Liễu tâm sự, lượng bán ra khả quan do người tiêu dùng rất tin tưởng các sản phẩm OCOP.

Để duy trì được sự tất bật sản xuất, các làng nghề cũng đã tìm cách cải tiến phương thức sản xuất và cách bán hàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Đó cũng là cách để giữ được chỗ đứng nhất định trên thị trường đã tràn ngập sản phẩm ngoại nhập.

Bán đặc sản Tết trực tuyến

Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, đặc sản Tết năm nay còn được đưa lên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm. Sắm Tết trực tuyến hay đón Tết livestream là những từ khóa tiêu biểu của thị trường Tết năm nay. Hàng loạt chương trình livestream đã được các đơn vị tổ chức để kích cầu cho hàng Việt.

Chợ Tết trực tuyến TP.Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh ngày hội mua sắm trực tuyến kết hợp với hàng trăm KOL, KOC… được diễn ra tại công viên bờ sông Sài Gòn. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm, đặc sản, nông sản, thời trang… dành riêng cho ngày Tết được đem lên "chợ mạng" với hình thức livestream.

Anh Hồ Khắc Vĩnh - một nhà sáng tạo nội dung - chia sẻ: "Tôi là người miền Trung và khi dạo quanh Hội chợ tôi thấy có nước mắm, nem chua, tương ớt…. Tôi sẽ quay và đăng clip, giới thiệu sản phẩm của bà con mình, cho mọi người thêm thông tin nguồn gốc, hương vị…"

Không chỉ KOL, KOC, lãnh đạo thành phố cũng trực tiếp tham gia các phiên live để ủng hộ đặc sản Tết Việt.

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi sẽ duy trì và tạo ra nội dung quan trọng, trong đó, ưu tiên mặt hàng đặc sản của TP.Thủ Đức, những mặt hàng đặc trưng của TP.Hồ Chí Minh, tạo ra những phong trào, nhu cầu, thói quen tiêu dùng mới cho người dânds TP. Thủ Đức và TP Hồ Chí Minh".

"Xây dựng một hệ thống để từ đó chúng tôi nhận đơn hàng trước và phối hợp với bên nhà bán để có công tác kế hoạch. Khi có công tác kế hoạch, chúng ta biết được bao nhiêu lượt đơn hàng từ điểm giao, điểm nhận. Công tác kế hoạch tốt hơn thì giá sẽ tốt hơn cho cả người bán và người mua", ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính sách Tiktok Việt Nam chia sẻ.

TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 1 đã tổ chức 7 chương trình thuộc Ngày hội mua sắm, giải trí Tết…. để hỗ trợ bán hàng Tết, đặc sản vùng miền, góp phần vào mục tiêu sức mua tăng trưởng từ 10%-13% trong dịp Tết Giáp Thìn.

Theo thống kê mới đây của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sức mua của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc nội địa ngày càng tăng cao. Có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt... Lý do được đưa ra trong khảo sát là các sản phẩm được sản xuất trong nước có chất lượng ngày càng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn, mẫu mã đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, không thua kém gì các mặt hàng nước ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước