Thử - thất bại... không dưới 1 lần, đến giờ, anh Tuệ (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) vẫn quyết định gắn bó với việc kinh doanh cà phê, vốn là loại cây quen thuộc với gia đình anh. Tuy nhiên lần này, anh quyết định kinh doanh theo mô hình nhượng quyền. Lợi nhuận sẽ đến từ việc chi phí nhượng quyền và chi phí cung cấp nguyên vật liệu cho các điểm bán.
Suốt gần 2 năm, việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, năm nay anh Tuệ đặt mục tiêu khá tham vọng là đẩy nhanh hơn nữa tốc độ mở các điểm bán cà phê. Con số là 200 điểm bán cà phê nhượng quyền từ nay đến cuối năm.
Các doanh nghiệp có thể dựa vào nguồn tài chính từ ngân hàng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Số điểm bán tăng lên, tức là vùng nguyên liệu cung cấp cà phê cũng phải tăng tương ứng. Vì vậy, bài toán kinh doanh lúc này là làm sao để có thể đảm bảo nguồn cung cấp cà phê chất lượng.
"Chúng tôi phải trữ hàng cà phê để đảm bảo chất lượng nguồn hàng. Từ nay đến tháng 4 năm sau, chúng tôi phải có lượng hàng nhất định trong kho. Chúng tôi ký hợp đồng với nông dân, các bước thanh toán như nào để duy trì dòng tiền ổn định nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru. Nguồn vốn doanh nghiệp khoảng 50 - 60% và 40% còn lại là từ ngân hàng. Hiện tại chúng tôi đang sử dụng vốn vay của ngân hàng vào việc này", anh Trương Trí Tuệ, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Vốn ngân hàng được anh dùng đầu tư vào hệ thống nhà kho dự trữ nguyên liệu cà phê cho đến hết niên vụ. Kế hoạch sử dụng vốn vay cho hiệu quả cũng phải được tính kỹ.
"Việc chúng tôi trữ hàng như vậy đảm bảo hàng hóa không tăng giá. Hiện tại chúng tôi mua giá này đến cuối năm nó tăng lên khoảng 20 - 30%, nên chỉ cần xoay vòng 1 lần chúng tôi cũng đã dư sức trả tiền lãi ngân hàng. Chúng tôi có những phương cách xoay vòng 2 - 3 lần để đảm bảo lợi nhuận tăng", anh Trương Trí Tuệ cho biết thêm.
Mục tiêu xa hơn của anh Tuệ là phát triển thêm cả mảng F&B. Vì vậy, mỗi kế hoạch dù ngắn hạn hay dài hơi đều liên quan đến việc sử dụng đồng vốn thật hiệu quả. Vì điều này không chỉ giúp duy trì được lợi nhuận, mà còn giúp bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân ở quê mình.
Dòng sữa ngọt lành từ nguồn vốn vay ưu đãi VTV.vn - Nguồn vốn chính sách đang giúp cho nhiều người dân không chỉ thoát nghèo, có vốn làm ăn, mà cuộc sống trở nên khấm khá, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!