Louis Vuitton, Dior, Fendi, Gucci, Chloe, Givenchy, Bally, Alexander McQueen, Jean Paul Gaultier, Jimmy Choo… thế giới thời trang xa xỉ có hàng trăm cái tên mà chỉ nghe tới thôi đã khiến những người mê cái đẹp phải phấn khích. Mỗi nhãn hiệu lại đại diện cho một phong cách riêng biệt và có những fan hâm mộ riêng của mình. Tuy nhiên, những cái tên này lại nằm dưới sự kiểm soát của vỏn vẹn 6 tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH, Kering, Richemont, Puig, Labelux và OTB
LVMH, Tập đoàn của châu Âu, thuộc về tỷ phú Pháp Bernard Arnault, bắt đầu tính đến việc lấn vào thị trường Mỹ và Tiffany, biểu tượng thời trang Mỹ, trở thành một nước cờ hợp lý. Về phía Tiffany, việc kiếm một ông lớn để nương nhờ cũng không quá đáng ngạc nhiên, đặc biệt là khi hãng này từ vài năm trở lại đây chật vật vì doanh thu giảm và khó khăn trong việc lôi kéo người tiêu dùng trẻ tuổi có gu thẩm mỹ trẻ trung hơn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Tiffany đã giảm tới 3%. Đứng độc lập trong thời buổi kinh tế biến động vì thương chiến Mỹ - Trung và tiêu dùng giảm không hề dễ dàng.
Xu thế một vài tập đoàn lớn ra sức đi chợ, thu mua những thương hiệu thời trang xa xỉ không còn xa lạ gì những năm qua. Ngoại trừ những hãng như Hermes, hay Chanel cố bám trụ để đứng độc lập thì hầu hết những hãng khác đều đã nằm trong tay LVMH hoặc Kering.
Những hãng đứng độc lập phải đối mặt với rất nhiều thử thách như tự tìm nguồn cung, tìm thị trường tiêu thụ và tự chi tiền cho các chiến dịch quảng cáo đắt đỏ. Chính vì thế, ngã vào vòng tay một tập đoàn lớn, có thể là giải pháp tốt để thương hiệu vẫn phát triển và trụ được trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!