Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký sắc lệnh thông qua mức thuế mới áp lên 2 mặt hàng là thép và nhôm nhập khẩu vào nước này lần lượt là 25% và 10%. Điều này là một bất lợi lớn cho thép Việt Nam khi Mỹ đang là thị trường xuất khẩu thép được giá. Tuy nhiên, thép sẽ không phải mặt hàng xuất khẩu tỷ USD duy nhất gặp khó trong năm nay. Mục tiêu xuất khẩu cả năm tăng trưởng thêm từ 8 - 10% được xem là không quá cao. Nhưng để duy trì đà tăng này sẽ đòi hỏi nhiều đối sách quan trọng.
Nói đến những nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD đang gặp khó khăn, phải kể đến là dệt may. Hai tháng đầu năm, dệt may xuất đi khoảng 4,3 tỷ USD. Như vậy từ nay đến hết năm, cần xuất thêm khoảng 30 tỷ USD nữa dệt may mới cán mốc 34 tỷ USD xuất khẩu như mục tiêu đề ra. Đây được xem là con số đầy thách thức khi tổng cầu thế giới về dệt may 5 năm qua không có sự đột phá nào. Có năm chỉ tăng 1 - 2%.
Một nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD khác cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Đó là thủy sản. Sự cố thẻ vàng của Liên minh châu Âu đối với hải sản đánh bắt sẽ tác động đến hải sản khai thác và cả hải sản nuôi. Với mục tiêu xuất khẩu 8,5 tỷ USD, giải pháp căn cơ nằm ở sản xuất trong nước, chứ không nằm ở thị trường.
Một vấn đề cần phải nhấn mạnh là dù dệt may, thủy sản hay bất cứ mặt hàng xuất khẩu nào đều có nguy cơ đối diện với chủ nghĩa bảo hộ ngày một gia tăng. Các biện pháp phòng vệ được áp dụng đa dạng hơn, khẩn cấp hơn, có thể làm ảnh hưởng tức thì đến bất kỳ ngành hàng nào dựa vào xuất khẩu.
Dù đối diện với nhiều khó khăn, song mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% được cho là khả thi. Bởi các hiệp định thương mại tự do vẫn còn dư địa, các dự án mới trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghiệp chế biến chế tạo bước vào sản xuất, xuất khẩu. Và đặc biệt là những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư tiếp tục được thực hiện trong năm nay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!