Hình minh họa.
Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tuần giao dịch bằng một phiên bán tháo trên diện rộng làm chỉ số VN-Index bốc hơi gần 56 điểm, xóa sạch mức tăng của cả 4 tuần giao dịch trước đó cộng lại. Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất trong 15 tháng qua (phiên giảm mạnh trước đó là vào ngày 12/5/2022).
Lý giải nguyên nhân
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), nguyên nhân chính của phiên bán tháo cuối tuần qua xuất phát từ động thái chủ động hạ margin (vay giao dịch ký quỹ) của nhà đầu tư sau khi một công ty chứng khoán top đầu thị phần môi giới thông báo giảm tỷ lệ ký quỹ với nhiều cổ phiếu từ ngày 22/8; diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu trụ cột như họ cổ phiếu "Vin"; đợt tăng mạnh vừa qua của tỷ giá trong nước và thông tin tiêu cực về một tập đoàn bất động sản lớn tại Trung Quốc khiến tâm lý nhà đầu tư lo sợ.
Đà bán ra càng mạnh về cuối phiên khiến chỉ số VN-Index chốt phiên ngày thứ Sáu tại mức 1.178,0 điểm, giảm mạnh 4,4% so với đầu tuần. Ngoài ra, HNX- Index cũng giảm mạnh 3,8% xuống 236 điểm và UPCOM-Index giảm 4,3% xuống 89,3 điểm.
Tất cả các nhóm ngành đồng loạt giảm mạnh trong tuần này, với mức giảm mạnh nhất đến từ bất động sản và bán lẻ sau khi đã tăng nóng trong vài tháng qua.
Tuần này, VIC giảm 7,9% và VHM giảm 6,7% là hai cổ phiếu gây áp lực lớn lên thị trường, lấy đi hơn 10 điểm của VN-Index. Theo sau là các cổ phiếu vốn hóa lớn như BID giảm 5,4%, VPB giảm 6,4%, MSN giảm 6,5%, GAS giảm 3,8%. Trong khi đó, FPT tăng 4,3% và SSI tăng 0,5%, là 2 cổ phiếu hiếm hoi trong rổ VN30 nâng đỡ thị trường.
Thanh khoản tuần này tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 29.006 tỷ đồng, tăng 10,2% so với tuần trước, chủ yếu tập trung ở phiên bán tháo cuối tuần với khối lượng giao dịch cao lịch sử.
Tuần này, khối ngoại tiếp tục bán ròng lần lượt 987 tỷ đồng, tăng 34,7% so với tuần trước và 143 tỷ đồng, tăng 194% so với tuần trước trên HOSE và HNX. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ trên UPCOM với giá trị 25 tỷ đồng, giảm 627% so với tuần trước. Như vậy, khối ngoại bán ròng 1.104 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Ông Hinh cho rằng, nhịp điều chỉnh của thị trường đã được dự báo từ trước, tuy nhiên điểm bất ngờ đó là mức độ giảm nhanh và mạnh chỉ trong một phiên cuối tuần vừa qua.
Rất may, thị trường có 2 phiên cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật để nhà đầu tư lấy lại sự bình tĩnh và suy xét. Việc hạ tỷ trọng margin của một công ty chứng khoán top đầu thị phần thông thường chỉ có tác động "ngắn hạn" trong vòng 1-2 phiên giao dịch và giảm bớt đáng kể sau đó.
Vấn đề về tỷ giá cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi đã quay đầu giảm mạnh trong phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu họ "Vin" có thể sớm lấy lại sự cân bằng.
Do đó, VNDIRECT kỳ vọng thị trường có thể xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật trong tuần tới. Vùng 1.150 - 1.170 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index. Trong trung hạn, VNDIRECT vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam với các yếu tố hỗ trợ mạnh gồm: Môi trường lãi suất; Chính phủ bơm tiền thông qua các động thái đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng (giảm thuế, phí, tăng lương cơ sở,…) và xu hướng phục hồi của nền kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong những tháng cuối nnăm.
Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cũng lý do khiến thị trường chứng khoán giảm điểm đột ngột trong phiên 18/8. Ông Minh cho rằng, thị trường chứng khoán thế giới giảm rất mạnh trong tuần vừa qua, khi lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng mạnh do lo ngại về lạm phát.
Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư có phần bị ảnh hưởng trước thông tin Evergrande đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên toà án ở Mỹ. Động thái này đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.
Đây giống như là giọt nước tràn ly khiến cổ phiếu bất động sản giảm sàn đồng loạt trong phiên cuối tuần qua.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), về tình hình vĩ mô, tuần qua Ngân hàng nhà nước tiếp tục yêu cầu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đặc biệt với các công ty bất động sản.
SHS nhận định, đây tiếp tục là những động thái tích cực tuy nhiên cần thêm thời gian để phát huy hiệu quả.
Nhà đầu tư cân nhắc
Thực tế tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng diễn biến tiêu cực.
Trên thị trường thế giới, nhà đầu tư chứng khoán đang cân nhắc khả năng lãi suất có thể được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, bên cạnh những lo ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc.
Phiên cuối tuần (18/8), Phố Wall chứng kiến một phiên giao dịch trái chiều, trong bối cảnh nhà đầu tư đang cân nhắc khả năng lãi suất có thể được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, bên cạnh những lo ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc.
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên tăng nhẹ 0,1% lên 34.500,66 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P đi ngang, đứng ở mức 4.369,71 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,2% xuống 13.290,78 điểm.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất trong 15 năm trong tuần này. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu hiện vẫn ở mức cao, khiến tài sản này đang trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Tại Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone), các thị trường chứng khoán lớn như London (Anh), Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) đều đóng phiên cuối tuần trong sắc đỏ.
Tuần qua, các thị trường chứng khoán thế giới giao dịch khá ảm đạm, chủ yếu do lo ngại về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và chiến dịch tăng lãi suất của Mỹ có thể kéo dài trước áp lực lạm phát dai dẳng.
Cũng trong phiên giao dịch 18/8, các thị trường châu Á cũng giảm điểm, với thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) giảm trong ngày giao dịch thứ sáu liên tiếp. Giới đầu tư đang tập trung vào triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, vốn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ khủng hoảng bất động sản đang cận kề.
Ngày 17/8, "gã khổng lồ" bất động sản Trung Quốc Evergrande Group và một công ty con đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ - một biện pháp bảo vệ tài sản của họ tại Mỹ trong khi công ty đang thúc đẩy quá trình tái cấu trúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!