Thống kê cho thấy, nguồn cung căn hộ mở mới cả năm 2024 ước đạt khoảng 35.000 căn, cao hơn so với dự báo trước đó là trong khoảng từ 22.000 - 24.000 căn.
Năm 2025, con số này được dự báo tăng lên mức 40.000 căn hộ cho cả hai thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dù nguồn cung sẽ tăng đáng kể nhưng giá bất động sản được dự báo vẫn khó để "hạ nhiệt". Đơn vị nghiên cứu thị trường CBRE cho rằng, giá nhà sẽ không giảm nhưng không còn tăng nhanh như giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản được cho là đã "chững" nhưng rất khó giảm. Ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ có những bất động sản, đặc biệt là chung cư, đã vào ở nhiều năm, bị thổi tăng giá nhanh, trong vòng một tháng trở lại đây, một số chủ nhà đã phải giảm giá nhẹ để tìm kiếm khách.
Liên quan đến giá bất động sản, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận xét, từ giờ đến hết năm 2025, các quy định của luật mới chưa được áp dụng hoàn toàn mà vẫn được tận dụng từ vấn đề cũ. Do đó, giá đất dự báo vẫn sẽ ở mức hợp lý. Tuy nhiên, sang giai đoạn 2026 - 2027, nếu từ giờ đến lúc đó nếu vẫn không có căn chỉnh phù hợp thì sẽ thêm nhiều áp lực được "đẩy" vào giá.
Ông Đính dẫn chứng, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay khu vực vùng ven đều tăng giá đền bù gấp 3 lần. Giá đất vì đó sẽ bật tăng rất mạnh. Song hiện nay, chính quyền TP. Hồ Chí Minh vẫn đang điều tiết theo cách áp dụng cả cách tính cũ. Do đó, vẫn còn đâu đó những chủ đầu tư ở một số địa phương vẫn chấp nhận được mức giá đền bù này.
Bởi vậy, theo ông Đính, sẽ có 2 kịch bản cho thị trường bất động sản. Nếu điều tiết tốt thì năm 2026 - 2027 thị trường sẽ tiếp tục ổn định. Còn nếu không có căn chỉnh kỹ thuật tốt thì có thể sẽ đẩy giá bất động sản lên mức cao hơn, bất hợp lý hơn. Và khi đó, thị trường sẽ lại khó khăn.
Để giải bài toán giá nhà tăng cao, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đề xuất, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các chính sách ưu đãi về đất đai và vốn vay cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện hạ tầng kết nối, "nhân rộng" việc phát triển đô thị theo mô hình TOD - mô hình phát triển đô thị tập trung vào giao thông công cộng. Đây là xu hướng tất yếu để giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân đô thị Việt Nam.
Theo VARS, nếu các khu dân cư, thương mại, và dịch vụ được xây dựng xung quanh các trục giao thông công cộng như tàu, metro, xe bus nhanh và hạ tầng kết nối được cải thiện thì người dân có thể đi làm, tiếp cận các tiện ích từ khoảng cách rất xa trong thời gian rất ngắn với chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Khi đó, người mua nhà chắc chắn sẽ sẵn sàng di chuyển sang các khu vực vùng ven, nơi doanh nghiệp có thể phát triển các dự án với mức giá thấp hơn. Khi nguồn cung đủ lớn và phù hợp, giá nhà theo đó sẽ được điều chỉnh về mức "cân bằng" của cán cân cung - cầu thực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!