Đây là yêu cầu được đưa ra tại Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Đây là thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp nhanh chóng phát triển nguồn điện, hạ tầng truyền tải. Do đó, vào chiều 7/1, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Chỉ thị 01, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương và các doanh nghiệp ngành năng lượng nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy triển khai các dự án nguồn điện, dự án truyền tải và các giải pháp để đáp ứng đủ điện. Điều đáng nói là các vấn đề của từng dự án thuộc từng loại hình nguồn điện đều được đưa ra để bàn thảo.
Đối với các dự án nguồn điện dự kiến hoàn thành và vận hành vào năm nay, Bộ Công Thương yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Ví dụ như Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4. Đây là nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Công Thương yêu cầu phải phát điện và phấn đấu vận hành thương mại vào quý I năm nay. Các dự án còn lại cũng cần tăng tốc.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Đối với các dự án điện khí đã có chủ đầu tư bao gồm Hiệp Phước giai đoạn 1, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Trạch 2, Hải Lăng giai đoạn 1, Ô môn 1,2,3,4 thì đề nghị các chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện. Phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2030".
Còn về các dự án thủy điện đang và sắp được triển khai, đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết trong năm nay sẽ có một số dự án thủy điện sẽ được hòa lưới và sẽ khởi động xây dựng một số dự án thủy điện mới.
Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ phát điện 2 tổ máy trong năm 2025.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết: "Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ phát điện 2 tổ máy trong năm 2025. Nhà máy Quảng Trạch 1 sẽ thử tổ máy số 1 vào tháng 9 năm nay và tổ máy số 2 vào năm 2026. Sẽ khởi động thủy điện Trị An mở rộng, dự án thủy điện Bắc Ái trong quý 1 năm nay."
Cùng với việc các dự án về nguồn điện, tại cuộc họp hôm nay Bộ Công thương cũng đã có những chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện như dự án đường dây 500kv Lào Cai - Vĩnh Yên, các dự án đường dây khác để đảm bảo điện trong mùa khô năm nay và các năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Đề nghị các địa phương triển khai tích cực để thu hút đầu tư vào hệ thống truyền tải điện, tức là dưới 110kv. Tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng như các chủ đầu tư triển khai các dự án lưới điện truyền tải liên miền theo Quy hoạch điện VIII được duyệt, như dự án Vĩnh Yên - Lào Cai cũng chỉ là một ví dụ điển hình. EVN phải tập trung thi công hoàn thành đường dây 500kv Monsoon - Thạnh Mỹ và 220kv Nậm Sum – Nông Cống hoàn thành muộn nhất vào quý 2 năm nay".
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sẽ được trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trước 28/2 tới đây. Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát vị trí bổ sung quy hoạch điện gió ngoài khơi và giúp đỡ các nhà đầu tư hoàn tất thủ tục tiến hành khảo sát.
Người dân đồng thuận trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Dự án điện hạt nhân sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho vùng được đầu tư.
Một trong những giải pháp quan trọng được Thủ tướng yêu cầu trong Chỉ thị số 1 là tập trung chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Bởi lẽ, nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Nếu chúng ta hình thành các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, có thể sản lượng điện cần phải tăng đến 20%.
Dự kiến, sẽ có 2 nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích khoảng 800 ha. Theo ước tính ban đầu sẽ có hơn 800 hộ dân trong khu vực cần di dời.
Nhiều hộ dân ở khu vực quy hoạch làm dự án, họ đều bày tỏ sự đồng thuận cao. Gần hai thập kỷ qua, bà con đã chuẩn bị tâm thế tạo điều kiện thuận lợi cho dự án được kỳ vọng là một động lực đưa đất nước vươn lên trong kỷ nguyên mới.
Khu đất vùng lõi của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Tổng diện tích xây dựng trên đất liền khoảng trên 430 ha. Dự kiến có khoảng hơn 350 hộ dân sẽ phải di dời để phục vu cho dự án.
Đại diện lãnh đạo xã Phước Dinh cho biết, sau khi có quyết định tái khởi động dự án điện hạt nhân, chính quyền xã đã triển khai công tác tuyên truyền và thu thập ý kiến của người dân ở vùng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Duy Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận cho hay: "Đảng ủy, HĐND và UBND đã chỉ đạo đến từng hộ dân để tuyền truyền. Phát phiếu cho hộ dân để nắm rõ việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân, và trên 90% hộ dân đồng tình và ủng hộ".
Cách đó hơn 30km, khu vực cũng được quy hoạch để xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Cả đời gắn bó với mảnh đất này, gia đình ông Ngọc Anh đang có hơn 6 xào đất để sinh hoạt và sản xuất. Những ngày đầu năm 2025, ông vẫn tiếp tục công việc chăm sóc vườn tỏi của gia đình. Nhưng khi được chính quyền tuyên truyền về việc tái khởi động dự án điện hạt nhân, ông và gia đình đều tỏ rõ sự đồng thuận.
"Theo chủ trương của Đảng, của Nhà nước thì nói chung người dân chấp hành theo chủ trương nhà nước thôi. Sau khi khởi động nhà máy điện hạt nhân, thì do là dự án đặc thù nên đề nghị nếu có bồi thường thì thỏa đáng cho nhân dân, hay là giúp đỡ những người già neo đơn có cuộc sống tốt hơn chỗ cũ", ông Võ Ngọc Anh, thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận chia sẻ.
Với những nông dân như ông Anh, cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời, gắn bó với vườn nho, luống tỏi. Thế nhưng, họ cũng kỳ vọng, dự án điện hạt nhân, sau khi được triển khai, sẽ góp phần thay da đổi thịt mảnh đất quê hương mình.
Dự án điện hạt nhân góp phần thay đổi kinh tế địa phương
Nhà máy điện hạt nhân sẽ góp phần cho địa phương rất phát triển về mọi mặt.
Người dân kỳ vọng và chính quyền địa phương cũng mong muốn, dự án điện hạt nhân sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới. Khi tác nghiệp tại Ninh Thuận, chúng tôi nhận thấy, ở đây có những cánh đồng điện mặt trời rộng lớn, cả những trụ điện gió trải dài ven các con đường. Triển khai thêm dự án điện hạt nhân sẽ giúp Ninh Thuận có cơ hội trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng bền vững của cả đất nước.
"Sau khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì sẽ góp phần cho địa phương rất phát triển về mọi mặt. Ví dụ như đầu tư 3 tuyến đường, đầu từ kè để cho bà con, thứ hai là sẽ hỗ trợ cho bà con tới chỗ sinh sống phát triển hơn", ông Nguyễn Duy Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận chia sẻ.
Ông Nguyễn Trúc Hòa - Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, Ninh Thuận cho biết: "Thứ nhất, tạo ra năng lượng xanh, sạch. Thứ hai là tốc độ phát triển kinh tế của người dân chắc chắn sẽ đi lên. Thứ ba là thu hút các nguồn lực đầu tư như du lịch, dịch vụ".
Không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, điện hạt nhân còn đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, bền vững, bởi đây được coi là một loại năng lượng gần như không phát thải carbon, thay thế cho những nguồn nhiên liệu hóa thạch hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!