Đầu năm nay, những người dân ở tỉnh Davao, Philippines hoang mang trước một loại gạo khi nấu thành cơm để 3 tuần không hỏng, vắt ra nước như xốp, đốt cháy đen. Đến tháng 8, cơ quan An toàn thực phẩm Philippines đưa ra kết luận chính thức, loại gạo trên không phải là giả mà là bị nhiễm DBP, một loại hoá chất trong nhựa dẻo. Theo đó, đây chỉ là một trường hợp cá biệt do gạo không được bảo quản đúng cách.
Tuy nhiên, người tiêu dùng khó có thể thấy an tâm. Thông tin gạo giả xuất hiên ở Trung Quốc, Malaysia, Singapore và ngay cả các nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ hay Việt Nam được lan truyền trên mạng. Thậm chí còn có video miêu tả việc sản xuất loại gạo này. Theo đó, chúng được sản xuất từ khoai tây, khoai lang và có thêm cả keo tổng hợp. Theo các chuyên gia, nếu loại gạo giả này thực sự tổn tại thì sẽ gây ra hậu quả khôn lường như huỷ hoại hệ tiêu hoá, thậm chí là gây tử vong cho người sử dụng. Còn có cảnh báo, ăn một bát gạo nhựa như nhét một túi nilon vào dạ dày.
Các nhà chức trách Malaysia cho biết, mặc dù chưa chính thức xác nhận có gạo giả ở nước này nhưng việc điều tra sẽ được tiến hành và tập trung tại các vùng quê.
Nghi vấn gạo nhựa chưa lắng xuống thì mới đây, một phụ nữ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho biết, bà mua phải gạo được làm từ những mẩu giấy cuộn chặt hết sức tinh vi.
Những thông tin như trên tiếp tục gieo hoang mang vào người tiêu dùng. Đối với người châu Á, bát cơm có ý nghĩa thiêng liêng vô cùng. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, có thể họ đang bị đầu độc trong chính bát cơm của mình.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.