Theo ước tính, đến hết tháng 8/2014 toàn ngành đạt 13,6 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2013. Để tiếp tục khẳng định vị thế và thu hút khách hàng trong và ngoài nước trong các tháng cuối năm, nhiều hoạt động nhằm quảng bá thương hiệu thời trang Việt đã được ngành dệt may thực hiện, trong đó Hội chợ VIFF 2014.
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dù là hoạt động thường niên nhưng mỗi năm số doanh nghiệp đăng ký tham gia Hội chợ thời trang Việt đều tăng. Theo các doanh nghiệp trước đây chỉ làm hàng xuất khẩu thì việc tham gia này không phải mang tính hình thức, mà luôn coi đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm với người tiêu dùng trong nước. Cụ thể là những chiếc áo jacket chỉ chuyên cung ứng xuất khẩu giờ đã có mặt để bán trong nội địa.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, năm nay không chỉ với các đơn hàng xuất khẩu mà tại thị trường nội địa doanh số bán hàng đều tăng hơn so với năm ngoái. Người tiêu dùng đã dần tiếp nhận và ủng hộ các mặt hàng thời trang Việt nên hệ thống phân phối của doanh nghiệp vì thế cũng tăng lên đáng kể.
Ông Ngô Trường Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty May Việt Thắng cho biết: “Nhìn chung doanh số năm nay rất khả quan, chúng tôi nhận thấy nội địa còn nhiều tiềm năng và quyết định mở thêm nhiều cửa hàng mới. Đặc biệt là qua hội chợ này, chúng tôi đón nhận cả khách trong và ngoài nước, họ đến tham quan và đặt hàng luôn tại chỗ…”.
Hiện tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị thành viên đã và đang tích cực mở rộng và phát triển thị trường nội địa. Với trên 4.000 cửa hàng, đại lý, phân phối 60.000 mặt hàng với tỷ lệ 100% hàng Việt Nam, các sản phẩm may mặc với nhiều thương hiệu mới như Grusz (Tổng công ty May 10), Merriman (Tổng công ty Hòa Thọ), hay Mattana (Tổng công ty Nhà Bè)… giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn.