Ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá

Diệu Thư-Thứ sáu, ngày 05/01/2024 21:49 GMT+7

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đón đầu xu hướng các doanh nghiệp FDI cần nhiều hơn các DN hỗ trợ để làm nhà cung cấp.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư công nghệ thiết bị, không chỉ cạnh tranh với các FDI cùng ngành nghề, mà còn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công ty cơ khí Duy Khanh đã đầu tư 183 tỷ đồng để đầu tư công nghệ sintering - công nghệ thiêu kết bột kim, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chi tiết máy chính xác ở khu công nghệ cao, đáp ứng đơn hàng của các doanh nghiệp FDI.

"Những sản phẩm này là những sản phẩm có số lượng lớn, giá thành thấp, tức là một sản phẩm tương tự như vậy mà dùng máy cắt gọn kim loại thì giá thành cao hơn nhiều lần", ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh, cho biết.

Ngoài sản xuất đơn đặt hàng của các doanh nghiệp FDI trong nước, công ty sản xuất khuôn mẫu này còn sản xuất khuôn mẫu chính xác để xuất khẩu qua Mỹ cung cấp cho nhà máy sản xuất ô tô. Bởi cách đây 1 năm, công ty này đã đã đầu tư thiết bị, phần mềm, nhà xưởng và huấn luyện đội cán bộ kỹ thuật nghiên cứu sản xuất các khuôn mẫu theo yêu cầu của ngành ô tô.

Ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá - Ảnh 1.

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Hiện nay chúng tôi đã được công nhận, do dó các doanh nghiệp chế tạo ô tô bên nước Mỹ xem chúng tôi là một đối tác, họ đặt công việc đầy đủ cho chúng tôi làm", ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho hay.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hỗ trợ đã chủ động đầu tư công nghệ tìm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, vượt qua nhiều thách thức, đáp ứng được các muôn vàn điều kiện do các tập đoàn FDI mở ra.

"Họ không chỉ bó hẹp cung cấp đầu vào cho những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, mà họ có thể xuất khẩu ra các thị trường thế giới. Họ tham gia vào chuỗi cung ứng ở các nước thay vì chỉ loanh quanh trên sân nhà", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định.

Việc các doanh nghiệp hỗ trợ chủ động đầu tư công nghệ, đáp ứng được tiêu chuẩn, kỹ thuật của quốc tế không chỉ là đòn bẩy để nâng cao giá trị gia tăng nội địa, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.

Đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho công nghiệp hỗ trợ Đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho công nghiệp hỗ trợ

VTV.vn - Theo dự thảo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển gồm có ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước