Ngành bán lẻ tìm cách ứng phó trước “làn sóng” cắt giảm chi phí

Chinh Vũ-Thứ hai, ngày 27/02/2023 14:28 GMT+7

VTV.vn - Áp lực từ "làn sóng" cắt giảm chi phí đã lan đến ngành bán lẻ và các doanh nghiệp đang tìm nhiều cách để ứng phó.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang gây chú ý khi ông lớn Thế giới di động vừa có một loạt động thái như "xóa bỏ" một số thương hiệu chuỗi bán lẻ, cắt giảm hàng nghìn nhân sự.

Một nhà bán lẻ đầu ngành đang mạnh tay đóng cửa toàn bộ hàng chục cửa hàng của chuỗi thương hiệu bán đồ thể thao, cũng như hơn 40 cửa hàng điện máy trước đó đã mở rộng đầu tư ra Campuchia, với lý do chung là do các chuỗi này không có tiềm năng đóng góp doanh thu, lợi nhuận đáng kể.

Theo báo cáo tài chính của Thế giới di động, trong 3 tháng cuối năm 2022, nhà bán lẻ này cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, khoảng 4% quy mô nhân sự.

Giới phân tích lý giải, đây là động thái để cải thiện biên lợi nhuận để ứng phó với tình trạng doanh thu, lợi nhuận sụt giảm.

Ngành bán lẻ tìm cách ứng phó trước “làn sóng” cắt giảm chi phí - Ảnh 1.

Năm 2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ lớn có niêm yết đều sụt giảm. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Ngay cả trong giai đoạn thuận lợi, việc xoay chuyển, diễn biến nhanh của ngành bán lẻ đã diễn ra vì đây là đặc điểm của ngành. Trong giai đoạn khó khăn tần suất sẽ được đẩy nhanh hơn nữa để tối ưu hiệu quả", bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc - Trưởng Phòng Phân tích Khối Doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho biết.

Năm 2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ lớn có niêm yết đều sụt giảm. Thế giới di động, FPT Retail đều ghi nhận mức giảm hơn 10% so với năm trước đó.

Một số ông lớn bán lẻ khác như Saigon Co.op, Central Retail cho biết doanh thu năm 2022 phục hồi đáng kể so với trước dịch. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải dùng nhiều cách để cắt giảm, tối ưu chi phí.

"Chúng tôi cố gắng tiết giảm nhiều nhất có thể tất cả các loại chi phí phát sinh trong chuỗi cung ứng. Ngay từ khâu đàm phán giá với đối tác cho đến khi sản phẩm đó được bán đến tay người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để đạt hiệu quả", ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, thông tin.

Theo báo cáo ngành bán lẻ do hãng tư vấn McKinsey vừa công bố, 60% người tiêu dùng Việt tìm cách tiết kiệm tối đa khi mua sắm. Dù vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tổng chi tiêu hiện đạt 5,5% một năm, cao hơn mức chung của khu vực, cho thấy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội.

"Năm 2023 sẽ tương đối khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ không cao. Tuy nhiên tôi cho rằng nhìn chung người Việt Nam vẫn có thu nhập tăng, đặc biệt ở các khu vực ngoài các thành phố lớn. Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, chỉ là chúng ta sẽ phải chờ đợi lâu hơn để thị trường bật tăng trở lại", ông Matthieu Francois, Giám đốc Hợp danh, McKinsey Việt Nam, nhận định.

Giới quan sát đánh giá, điểm tích cực trong khó khăn là các nhà bán lẻ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ vòng quay tiền mặt, giảm hàng tồn kho, ít nợ xấu, thể hiện nỗ lực tăng trưởng một cách bền vững.

Sự sụt giảm lợi nhuận sẽ chưa gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, ít nhất là trong ngắn hạn.

Ông lớn bán lẻ Thái Lan “rót” 1,45 tỷ USD vào Việt Nam Ông lớn bán lẻ Thái Lan “rót” 1,45 tỷ USD vào Việt Nam

VTV.vn - Nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Retail Corporation công bố khoản đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với tổng trị giá 50 tỷ Baht (1,45 tỷ USD) trong giai đoạn 2023 - 2027.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước