Ngân hàng Trung ương châu Âu "bất lực" trước đồng Euro mạnh

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 14/12/2020 14:50 GMT+7

Ngân hàng Trung ương châu Âu không thể làm gì để ngăn cản đồng Euro lên cao thêm so với đồng USD. (Ảnh: Bloomberg)

VTV.vn - Đồng tiền chung châu Âu Euro đang ở mức cao nhất trong năm so với đồng USD, tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp châu Âu.

Các quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 10/12 hầu như không tác động tới tỷ giá giữa đồng Euro và USD. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã không thể làm gì để ngăn cản đồng Euro lên cao thêm so với đồng USD.

Nhật báo kinh tế Borsen ra tại Đan Mạch có đoạn viết: "Kể từ tháng 3 năm nay, đồng Euro đã tăng 14% so với USD, nhưng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn thận trọng khi đưa ra quyết định sau cuộc họp hôm 10/12 tuần trước". Nguyên nhân là vì đồng Euro tăng giá không phải là do nó mạnh hơn, mà là do đồng USD đã mất giá nhiều so với mọi đồng tiền khác.

Bài báo nhấn mạnh: "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) theo đuổi chính sách tiền tệ đặc biệt thô bạo, đẩy dòng vốn bằng USD quay trở lại các nền kinh tế mới nổi, theo cách cố tình làm suy yếu đồng USD".

Euro tăng giá không liên quan đến thực trạng kinh tế châu Âu lúc này, đó là nhận xét chung của nhiều bài báo tuần qua.

Tờ Thời báo phố Wall nhận xét: "Ngân hàng Trung ương châu Âu không mong có đồng Euro mạnh hơn, nhưng không thể làm được gì nhiều". Euro đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2018. Ngày 9/12, tỷ giá trên thị trường tài chính thế giới là một Euro tương đương với 1,2135 USD. Đó là con số trung bình giữa giá mua và giá bán. Trên thực tế, chiều 11/12, ngân hàng ING tại Bỉ đã bán Euro với tỷ giá lên tới xấp xỉ 1,25 USD.

Ngân hàng Trung ương châu Âu bất lực trước đồng Euro mạnh - Ảnh 1.

Euro đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2018. (Ảnh: Bloomberg)

Tờ Tin điện hàng ngày ra tại Anh có bài phân tích vì sao USD sụt giá trong lúc này có lợi cho các nền kinh tế mới nổi, nhưng lại bất lợi đối với châu Âu.

Trong bài có đoạn: "Đối với nền kinh tế thế giới nói chung, đồng USD yếu làm giảm chi phí nợ". Các quốc gia hay các doanh nghiệp đã phải đi vay nợ bằng đồng USD, nay đồng tiền Mỹ mất giá, gánh nợ cũng bớt nặng hơn. USD sụt giảm giá trị có thể coi như biện pháp nới lỏng định lượng, có lợi cho toàn thế giới phục hồi sau dịch.

Trong khi đó, châu Âu vẫn đang phải phong tỏa chống dịch. Theo bài báo, mối nguy trước mắt đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu là bỏ lỡ giai đoạn đầu phục hồi kinh tế toàn cầu và trong giai đoạn thứ hai sẽ còn khó khăn thêm nữa, vì tỷ giá hối đoái quá cao.

Báo chí tại Pháp cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu đang tỏ ra bất lực trước đồng Euro quá mạnh. Tờ Tiếng vang của Pháp viết: "Các thị trường tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu không thể đảo ngược xu hướng, cùng lắm là làm chậm đà tăng của Euro". Bài báo dự đoán "đồng Euro sẽ ổn định dài lâu trong phạm vi từ 1,2 - 1,3 USD.

Vượt USD, Euro trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều nhất cho thanh toán toàn cầu Vượt USD, Euro trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều nhất cho thanh toán toàn cầu

VTV.vn - Lần đầu tiên sau gần 8 năm, đồng Euro đã đánh bại đồng USD, khi trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thanh toán toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước