Phát biểu sau cuộc họp chính sách mới nhất diễn ra ngày 10/9, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, tình trạng suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự báo sẽ bớt nghiêm trọng hơn những lo ngại ban đầu. Tuy nhiên, vấn đề gây đau đầu hiện nay với giới chức ECB chính là giá trị đồng Euro đang tăng với tốc độ rất nhanh.
Theo tính toán của CNBC, kể từ tháng 5 đến nay, đồng Euro đã tăng giá tới 10%, kéo theo tỷ giá trung bình giữa bán và mua lên quanh ngưỡng 1,19 USD ăn một Euro.
Nhiều chuyên gia dự báo, sớm muộn gì đồng Euro cũng lên tiếp tới mức 1,2, thậm chí 1,25 USD. Đà tăng giá đều của Euro so với các đồng tiền chính khác bắt đầu khiến ECB lo lắng.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde. (Ảnh: Reuters)
"Chúng tôi không có ý định can thiệp tỷ giá hiện nay. Sự tăng giá của đồng Euro đang tạo áp lực tiêu cực lên giá cả. Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn trọng vấn đề này", bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định.
Trước đó hôm 1/9, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của ECB, ông PHILIP LANE, đã phải can thiệp bằng lời nói trong một động thái bất ngờ liên quan đến đồng Euro.
"Tỷ giá Euro - USD đang có vấn đề. Nếu tỷ giá ấy chịu sự tác động, các dự báo của châu Âu và thế giới cũng thay đổi theo. Viễn cảnh đó sẽ tác động đến việc thiết lập chính sách tiền tệ của ECB", ông Philip Lane, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của ECB, cho biết.
Giới phân tích cho rằng, đồng Euro càng mạnh, hiệu ứng thiểu phát càng lớn do hàng hóa nước ngoài có giá thấp hơn. Hiện khu vực đồng Euro đã rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu tiên trong 4 năm. Giá tiêu dùng tháng 8 suy giảm 0,2%.
Sự tăng giá của đồng Euro đang tạo áp lực tiêu cực lên giá cả. (Ảnh: Reuters)
ECB còn rất ít lựa chọn để đáp ứng mục tiêu lạm phát. Lãi suất của khu vực đã rơi xuống mức âm trong khi mạnh tay triển khai các chính sách nới lỏng định lượng.
Bloomberg dự báo rằng, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng bạc xanh sẽ tiếp tục giảm giá. Do vậy, ECB phải chấp nhận 1 đồng Euro mạnh.
Trong trường hợp ECB cố gắng hãm đà tăng giá của Euro, họ có thể làm tăng căng thẳng kinh tế xuyên biên giới với Mỹ vào thời điểm triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu rất mong manh. Dự báo, nền kinh tế Eurozone có thể sẽ suy giảm 8% trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!