Đồng Euro đã vượt mức 1,2 USD lần đầu tiên từ năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Đồng Euro mạnh đang đi ngược lại một số mục tiêu của kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong lúc Ngân hàng Trung ương châu Âu hầu như đã cạn kiệt công cụ tác động vào tỷ giá.
Kế hoạch phục hồi kinh tế của các nước châu Âu đang vấp phải một chướng ngại bất ngờ từ bên ngoài, đó là đồng USD đột ngột suy yếu.
Tờ Die Presse ra tại Áo lo lắng đặt câu hỏi: "USD sẽ đi về đâu?". Bài báo viết: "Trong mấy tháng qua, đồng USD đã mất giá khá nhiều so với tất cả các đồng tiền của 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới". Nguyên nhân là do quyết định từ phía Mỹ, như bài báo giải thích: "Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa tái khẳng định sẽ không tăng lãi suất cơ bản trong 2 năm liên tiếp, tới năm 2023 mới xem xét lại chính sách lãi suất". Quyết định này góp phần khiến đồng USD suy yếu, cùng lúc uy tín của đồng Euro lại tăng lên.
Theo bài báo, khi Pháp và Đức công bố kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch COVID-19, đồng Euro bắt đầu tăng giá, tiếp đó thỏa thuận 750 tỷ Euro được các nước châu Âu nhất trí đã củng cố vị thế của Euro.
USD đi xuống và Euro đi lên đồng thời với biên độ lớn là chuyện không có trong kịch bản tái thiết kinh tế của các nước châu Âu. Tờ La Voz de Galicia của Tây Ban Nha có bài: "Sức mạnh của đồng Euro đang cản trở châu Âu phục hồi", trong đó có đoạn viết: "Đồng tiền chung đã vượt mức 1,2 USD lần đầu tiên từ năm 2018, kể từ mức thấp nhất trong năm nay đã tăng hơn 10% giá trị".
Hiện đồng USD đang suy yếu, trong khi uy tín của đồng Euro lại tăng lên. (Ảnh: CNBC)
Nền kinh tế châu Âu đã bắt đầu xuất hiện những hậu quả đầu tiên khi đồng Euro quá mạnh. Tờ Le Figaro ra tại Pháp nhắc lại quy luật "Euro cứ tăng 10% thì xuất khẩu của châu Âu sụt giảm 6%". Các nước công nghiệp phát triển nhất, như Đức và Italy, bị thiệt hại trước tiên. Nông sản Pháp như pho mát và rượu vang bị thiệt hại nặng nề do giá bán bỗng trở thành quá cao, giá tăng tới 1/10 chỉ trong thời gian ngắn.
Tờ Le Figaro viết thêm: "Một đồng Euro mạnh vừa làm mất đi lợi thế cạnh tranh của châu Âu, vừa là yếu tố gây giảm phát, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong dịch bệnh".
Trong tình hình ấy, các nước dùng đồng Euro hầu như không có cách nào xoay chuyển tình thế. Tờ Delo của Slovenia bình luận rằng: "Ngân hàng Trung ương châu Âu không còn công cụ điều hành tỷ giá, bởi lãi suất đồng Euro đã rất thấp, thậm chí ở mức âm, nên không thể giảm thêm; số tiền bơm ra thị trường cũng đã rất nhiều, không thể bơm nữa".
Tờ báo Slovenia dự đoán rằng, tốc độ phục hồi kinh tế của các nước dùng đồng Euro sẽ không thể là hình chữ V như các ước đoán lạc quan trước đây, mà sẽ là giữa chữ V và chữ L, tức có đi lên nhưng với tốc độ rất chậm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!