Con tàu kinh tế của Việt Nam vẫn đang gồng mình vượt qua sóng gió của năm 2020, khi "bóng đen" của đại dịch COVID-19 vẫn bao trùm toàn cầu, gây đứt gãy cung cầu và làm tê liệt hoạt động sản xuất, xuất khẩu của nhiều lĩnh vực, ngành hàng. Nhiều quốc gia đã lâm vào tình trạng tăng trưởng âm, thất nghiệp tràn lan và số người thiệt mạng do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Ngay từ khi dịch COVID-19 vào Việt Nam, nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tổn thương nặng nề bởi cả đầu vào và đầu ra trong chuỗi sản xuất đều phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Tuy nhiên, gần 2/3 quãng đường của năm 2020 đã đi qua và cũng là khoảng thời gian thử thách sự chèo lái nền kinh tế của Chính phủ, những điểm sáng của nền kinh tế đã và đang tiếp tục hé mở.
Vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh sự bình tĩnh, quyết tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt 2 mục tiêu kiểm soát dịch và không để đứt gãy nền kinh tế, không để tăng trưởng âm trong bối cảnh những đối tác lớn bị ảnh hưởng nặng nề.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Tổng cục Thống kê cho biết tháng 7 tốt hơn tháng trước. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tính chung 7 tháng năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 200.000 tỉ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng trên 27% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 146 tỷ USD, xuất siêu 6,5 tỷ USD. CPI bình quân tính chung 7 tháng tăng trên 4% so với cùng kỳ.
Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, kinh tế của Việt Nam năm nay vẫn tiếp tục tăng trưởng dương. Ảnh minh họa.
Ngân hàng Thế giới lạc quan về kinh tế Việt Nam
Kiên định với mục tiêu kép, kinh tế Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng nhất định. Vì vậy, bản báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận nhiều tín hiệu khá lạc quan và khẳng định tăng trưởng kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi nếu như việc kiểm soát dịch bệnh có những tiến triển tích cực.
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, kinh tế của Việt Nam năm nay vẫn tiếp tục tăng trưởng dương và phục hồi lên mức 6,7% vào năm tới. Ảnh hưởng của COVID-19 tới nền kinh tế Việt Nam cũng được cho là ít trầm trọng hơn nhờ đi trước các quốc gia khác trong việc xử lý khủng hoảng.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận nhiều tín hiệu khá lạc quan về kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa.
"Những dự báo chúng tôi đưa ra với Việt Nam dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất, từ tháng 1 đến giữa tháng 4, xuất khẩu hàng hoá tăng trung bình 13% mỗi tháng - điều không nhiều quốc gia nào trên thế giới làm được.
Thứ hai, kể từ khi nới lỏng giãn cách hồi cuối tháng 4 - 6, chúng tôi đã chứng kiến sự hồi phục của sản xuất hàng hoá trong nước tăng tới 30%. Giá trị hàng hoá xuất khẩu cũng được ký kết tăng tới 9% mỗi tháng trong thời gian này. Thị trường nội địa đã cho thấy vai trò quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn hiện nay", bà Stefanie Stallmeister - Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.
Các chính sách từ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI đến kích cầu tiêu dùng, xuất nhập khẩu… đã được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì tăng trưởng dương của nền kinh tế. Đây chính là động lực tăng trưởng cho giai đoạn tới. Đặc biệt, các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, đồng bộ đã tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế.
Hiện chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu kép, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đồng thời phòng chống dịch hiệu quả. Bởi nếu như không khống chế được dịch COVID-19 mọi nỗ lực khó có thể mang lại kết quả cao. Chính vì thế, Chính phủ cũng yêu cầu: Dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, đồng thời kiên định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng chống dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!