Ngăn chặn hàng xuất khẩu đội lốt “Made in Việt Nam”

Trịnh Huyền-Thứ hai, ngày 23/08/2021 10:13 GMT+7

VTV.vn - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đang cập nhật liên tục và định kỳ danh sách các mặt hàng của Việt Nam có nguy cơ bị "đội lốt" Made in Việt Nam để xuất khẩu.

Hiện gỗ dán Việt Nam đang bị điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp do nghi ngờ có hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài trà trộn, "đội lốt" hàng Made in Việt Nam để xuất khẩu.

Cùng với gỗ dán, mặt hàng tủ gỗ, đá nhân tạo, xe đạp, bình gas... là 10 mặt hàng nguy cơ cao nhất trong khoảng 36 những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ.

Với những tính toán chi tiết trên số liệu, ngành Công Thương có những phương án để giúp doanh nghiệp minh bạch thị trường, sàng lọc doanh nghiệp.

"Việc thực hiện các hoạt động này giúp hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có những cảnh báo trước về các mặt hàng đứng trước nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh từ nước ngoài. Từ đó có sự chuẩn bị trước vì trong các vụ điều tra rất là chặt chẽ, có thời gian quy định rất ngắn", Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung cho biết.

Ngăn chặn hàng xuất khẩu đội lốt “Made in Việt Nam” - Ảnh 1.

Gỗ dán Việt Nam đang bị điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp do nghi ngờ có hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài trà trộn, "đội lốt" hàng Made in Việt Nam để xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã nhiều lần có các kiến nghị về việc kiểm soát các bộ phận của tủ bếp, tủ nhà tắm nhập khẩu để tránh doanh nghiệp nước ngoài lẩn tránh xuất xứ Việt Nam xuất khẩu mặt hàng chủ lực này. Sau bài học từ vụ việc của mặt hàng gỗ dán, ngành gỗ ý thức hơn bao giờ hết về việc tự bảo vệ.

"Việt Nam không phải là nơi để những sản phẩm trốn lậu thuế, những sản phẩm lẩn tránh xuất xứ xuất khẩu sang nước thứ ba. Cái đó là để đảm bảo cho nền sản xuất gỗ bền vững", Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nhận định.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các biện pháp phòng vệ thương mại là để thiết lập cạnh tranh công bằng trên thị trường, bảo vệ doanh nghiệp bị thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh. Đây là "cuộc chiến" pháp lý về mặt số liệu, thông tin. Doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính cần lưu trữ đầy đủ số liệu để sẵn sàng cung cấp cho cơ quan điều tra nước ngoài khi cần.

"Thông tin và số liệu là điều kiện tiên quyết để tiến hành điều tra phòng vệ thương mại. Bởi đây là cuộc chiến kỹ thuật chứ không phải yếu tố khác. Chúng tôi kỳ vọng khi tăng cường hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng vệ này thì các doanh nghiệp nhận biết được nhiều hơn", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, cho hay.

Bộ Công Thương cho biết, thông qua danh sách cảnh báo lần này, Bộ cũng sẽ cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để cùng phối hợp và tăng cường công tác kiểm tra; đồng thời tăng cường công tác đấu tranh, ngăn ngừa gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, mặc nhận hàng hóa xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu nước ngoài.

Mỹ phẩm giả 'đội lốt' hàng xách tay nhan nhản trên chợ mạng Mỹ phẩm giả "đội lốt" hàng xách tay nhan nhản trên chợ mạng

VTV.vn - Các sản phẩm làm giả "đội lốt" hàng xách tay có bao bì đóng gói giống hàng thật, khó phân biệt khi quan sát bên ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước