Navigos Search: Hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Thùy An-Thứ tư, ngày 06/10/2021 15:08 GMT+7

VTV.vn - Khó khăn do COVID-19, nhiều lao động đã phải tiết kiệm lại chi phí sinh hoạt, làm thêm công việc bán thời gian, sử dụng tiền tiết kiệm... để đảm bảo cuộc sống.

Trong báo cáo về "Thị trường lao động trong làn sóng COVID-19 thứ 4: Thực trạng và Hướng đi", theo Navigos Search, có hơn 87% ứng viên tham gia khảo sát cho biết bị ảnh hưởng đến công việc bởi dịch bệnh (khảo sát có hay không COVID-19 tác động đến công việc?).

Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III/2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%.

Navigos Search: Hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 - Ảnh 1.

COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động Việt Nam (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty)

Đáng chú ý, khi được hỏi về tình trạng hiện nay, báo cáo của Navigos Search cho biết có đến 41,5% người lao động cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới. Về lý do thôi việc, hơn 30% ứng viên cho biết họ nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty. Tiếp theo, lý do người lao động nghỉ việc do bị cắt giảm lương và chế độ phúc lợi chiếm gần 25%.

Một khảo sát khác trong báo cáo của Navigos Search cho thấy để đảm bảo cuộc sống trong thời gian giãn cách khó khăn được 51,5% người lao động áp dụng là tiết kiệm lại chi phí sinh hoạt gia đình, tính toán chi tiêu hợp lý hơn. Một biện pháp khác được 24,3% lựa chọn làm thêm bán thời gian một công việc thời vụ để đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình. 

Bên cạnh đó 16,6% số người đã nghỉ việc và chưa có việc làm thêm đã phải sử dụng đến tiền tiết kiệm, tích lũy trong thời gian này.

Một số người lao động đã chọn phương án về quê để giảm tiền phòng trọ trên thành phố. Những phương pháp khác được người lao động đưa ra như: Vay tiền để trang trải cuộc sống, đầu tư chứng khoán, đàm phán lương với công ty hiện tại, học nghề mới, tự kinh doanh riêng…

"Nhảy việc" sau dịch bệnh

Khảo sát của Navigos Search cũng cho biết khi được hỏi về dự định trong tương lai, gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Bên cạnh đó, hơn 30% người lao động quyết định vẫn sẽ làm việc tại công ty nếu lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên. 11% người lao động sẽ đề nghị tăng lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên sau khi hết dịch.

"Những hướng đi khác được số ít người lao động lựa chọn là: Tìm kiếm công việc yêu thích, đúng chuyên môn ngành nghề, tìm công việc mới với mức lương và chế độ phúc lợi tốt hơn, tìm việc làm mới ổn định, có thể gắn bó lâu dài…", báo cáo cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước