Năm 2020, chính sách nới lỏng tiền tệ của các NHTƯ lớn sẽ chậm lại

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 25/12/2019 15:42 GMT+7

VTV.vn - Bloomberg cùng nhiều chuyên gia nhận định, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được áp dụng chậm lại tại các ngân hàng trung ương lớn trong năm 2020.

Năm 2019 đã chứng kiến làn sóng hàng loạt ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển đều lao vào cuộc đua hạ lãi suất để chống chọi với sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu.

Kết thúc cuộc họp chính sách tháng 12, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell phát đi tín hiệu rằng, lãi suất của ngân hàng trung ương quyền lực bậc nhất thế giới này sẽ giữ nguyên trong năm 2020. FED sẽ duy trì lãi suất ổn định trong phạm vi mục tiêu 1,5 - 1,75% sau 3 lần hạ lãi suất liên tiếp.

Theo Bloomberg, tuyên bố trên sẽ giúp FED đứng ngoài lề cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, FED cũng không hoàn toàn lui về sau. Căng thẳng trên thị trường tiền tệ sẽ thúc đẩy Fed mua tín phiếu Kho bạc Mỹ để khôi phục dự trữ dồi dào trong hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cần tới một đợt "nghỉ xả hơi" sau khi cựu Chủ tịch Mario Draghi đẩy nhanh gói kích thích gây tranh cãi hồi tháng 9 vừa qua nhằm hỗ trợ kinh tế khu vực đồng Euro đang giảm tốc.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đang chỉ ra ngày càng nhiều những tác dụng phụ có hại của việc duy trì lãi suất tiền gửi âm 0,5%, chẳng hạn như lợi nhuận của hệ thống ngân hàng bị co lại và rủi ro đến sự ổn định tài chính.

Tại buổi nhậm chức Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde cam kết sẽ đánh giá lại các gói kích thích kinh tế và chính sách tiền tệ chiến lược, lần đầu tiên sau 15 năm.

Việc chính phủ Nhật Bản trong những ngày cuối cùng của năm 2019 công bố gói kích thích kinh tế trị giá tới 120 tỷ USD được cho sẽ giúp Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) chưa cần phải sử dụng tới công cụ hạ lãi suất trong năm tới. Hiện lãi suất được BoJ áp dụng là - 0,1%.

Tuy nhiên, Thống đốc Haruhiko Kuroda sẽ cần phải thận trọng theo dõi các diễn biến mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung và tác động kinh tế của việc tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10%. Dự báo, chỉ khi đồng yên Nhật bị tổn hại mới có thể khiến BoJ nghiêng về hướng nới lỏng tiền tệ.

Trung Quốc tiếp tục có động thái nới lỏng tiền tệ Trung Quốc tiếp tục có động thái nới lỏng tiền tệ

VTV.vn - Trung Quốc đã bơm 200 tỷ Nhân dân tệ vào hệ thống tài chính thông qua công cụ cho vay trung hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước