Mỹ giảm mức thuế chống bán phá giá với mật ong Việt Nam
Mức thuế này đã là giảm khoảng 7 lần so với mức thuế sơ bộ đưa ra trước đó. Từ mức 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74 - 61,27%.
Kết quả này cho thấy vai trò quan trọng của ngành sản xuất, xuất khẩu mật ong trong việc hợp tác với cơ quan điều tra.
Trong quá trình điều tra vụ việc, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành nhiều lần bày tỏ quan điểm với phía Mỹ, đề nghị Mỹ đánh giá khách quan, công bằng, tuân thủ đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Thu hoạch mật ong. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế tình hình sản xuất, xuất khẩu mật ong của Việt Nam.
Vì sao Mỹ giảm thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam?
Việc giảm biên độ bán phá giá từ hơn 410% hồi tháng 11/2021 xuống còn 58 - 62% như quyết định ngày 8/4 vừa qua, giảm tới 7 lần. Có được điều này là kết quả từ sự nỗ lực của phía Việt Nam đấu tranh, thuyết phục, vận động phía Mỹ thay đổi phương pháp tính như điều chỉnh nguyên liệu đầu vào, thay đổi trong sử dụng chi phí năng lượng, chi phí tài chính cũng như giá trị thông thường sản phẩm mật ong của Việt Nam.
Nếu vẫn giữ mức thuế sơ bộ là hơn 410% như trước kia thì gần như mật ong Việt Nam sẽ không có cơ hội xuất khẩu sang Mỹ. Mức thuế giảm mạnh vừa qua đã giữ lại cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp tục cạnh tranh. So với kết luận sơ bộ trước đó, tương quan cạnh tranh giữa Việt Nam với các đối thủ khác như Ấn Độ, Brazil, Argentina cũng được cải thiện hơn.
Ý nghĩa của việc xuất khẩu mật ong sang Mỹ
Nhu cầu tiêu thụ mật ong tại Hoa Kỳ là tương đối lớn. Năm 2021, Mỹ nhập khẩu khoảng 575 triệu USD sản phẩm mật ong, trong đó kim ngạch từ các nước bị điều tra bán phá giá lên đến hơn 460 triệu USD (chiếm tới hơn 80% thị phần nhập khẩu).
Việc sản phẩm mật ong tiếp tục có cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng, bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của mật ong Việt Nam.
Nếu giữ vững thị trường này, Việt Nam có cơ hội phát triển các nhóm sản phẩm mới, hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng cao, vì đây là thị trường có sức mua lớn.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu mật ong sang Mỹ còn có ý nghĩa lớn đối với hàng chục vạn người nuôi ong, chủ yếu ở các vùng kinh tế khó khăn và bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mà Chính phủ và người dân đã và đang nỗ lực thực hiện.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mật ong
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Hội Nuôi ong Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam trao đổi với các cơ quan của Mỹ ở các giai đoạn tiếp theo, đồng thời cũng đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại.
Việc tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu mật ong sang Mỹ có ý nghĩa lớn đối với hàng chục vạn người nuôi ong. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Bộ Công Thương đang triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để tăng cường tiêu thụ sản phẩm mật ong tại thị trường trong nước cũng như khai thác, đa dạng hóa thị trường nước ngoài khác ngoài Mỹ để để chúng ta khai thác hiệu quả hiệp định thương mại tự do đã ký kết, trong đó có mức giảm thuế đưa thuế suất về 0% đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam", ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết.
Sau khi mức thuế sơ bộ ban đầu là hơn 400% được đưa ra, hoạt động xuất khẩu mật ong sang Mỹ gần như là "đóng băng". Đến thời điểm này, khi hạ xuống khoảng 60%, các doanh nghiệp nhập khẩu bên tại Mỹ đã nối lại với các doanh nghiệp của Việt Nam chưa? Với mức thuế mới, hiện người nuôi ong và doanh nghiệp Việt đã có thể "thở phào" hay chưa?
Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong mục Góc nhìn, chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần (16/4) với sự tham gia của ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam. Mời quý vị theo dõi video trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!