“Mua sắm trả thù”: Cú hích kinh tế hay chỉ là trào lưu nhất thời?

Việt Linh (Tổng hợp từ CNN, CNBC, Nikkei, South China Morning Post, Reuters)-Thứ bảy, ngày 13/06/2020 08:17 GMT+7

Trung Quốc đối diện khó khăn tiêu dùng hậu COVID-19 (Ảnh: South China Morning Post)

VTV.vn - Tốc độ mua hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã tăng chóng mặt kể từ khi mở cửa lại sau dịch COVID-19. Nhưng cái được gọi là "mua sắm trả thù” này có ý nghĩa gì?

Các nhãn hàng xa xỉ phần nào hồi sinh nhờ "mua sắm trả thù"

Hôm 11/4, thương hiệu hàng xa xỉ Hermes chính thức mở lại cửa hàng độc quyền của mình tại trung tâm thương mại khổng lồ Taikou Hui, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc sau hơn 2 tháng đóng cửa vì dịch COVID-19.

“Mua sắm trả thù”: Cú hích kinh tế hay chỉ là trào lưu nhất thời? - Ảnh 1.

Cửa hàng Hermes tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc (Ảnh: Hermes)

Một khách hàng lấy tên Allison đã lặn lội từ thành phố Phật Sơn tới đây để tranh thủ sắm vài món đồ hàng hiệu sau nhiều tháng ở trong nhà vì dịch. Tuy nhiên, khi cô tới nơi, nhân viên chăm sóc khách hàng thông báo những món đồ mà cô đã nhắm trước – 1 chiếc túi xách Constance và 1 chiếc Herbag - đều đã "gone" (không còn).

Thay vì vậy, Allison chọn 3 chiếc khăn quàng và 1 ví Kelly. Cô cũng giữ liên lạc với nhân viên chăm sóc khách hàng để có thể sớm nhận được thông tin khi nào những chiếc túi Birkin, dòng sản phẩm nổi tiếng và đắt đỏ nhất của Hermes, sẽ lên kệ trở lại.

Theo nguồn tin của tạp chí WWD, doanh thu trong ngày mở cửa trở lại đó là 2,7 triệu USD, con số doanh thu lớn nhất trong ngày từ trước đến giờ của một cửa hàng Hermes tại Trung Quốc. Thành công của Hermes không phải là một sự kiện đơn lẻ: Louis Vuitton, Gucci và Prada cũng báo cáo doanh số tăng vọt trong những ngày sau khi các cửa hàng ở Trung Quốc mở lại. Doanh số của hãng trang sức Tiffany’s trong tháng 5 thậm chí tăng đến 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Mua sắm trả thù”: Cú hích kinh tế hay chỉ là trào lưu nhất thời? - Ảnh 2.

Nhiều người dân Trung Quốc mạnh tay mua sắm đồ xa xỉ thời hậu COVID-19 (Nguồn: Wall Street Journal)

Những con số tăng trưởng này "phản ánh mong muốn mạnh mẽ của người dân Trung Quốc muốn ra đường mua sắm, trở lại với cuộc sống tiêu dùng trước đây sau hơn 2 tháng đóng cửa", theo lời ông Jean Jacques Guiony - giám đốc tài chính của tập đoàn đồ xa xỉ lớn nhất hành tinh LVMH, cũng là công ty mẹ của Louis Vuitton.

Hồi đầu thập niên 1980 ở Trung Quốc có một thuật ngữ đã ra đời "baofuxing xiaofei" hay "mua sắm trả thù", chỉ làn sóng người Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu cho các mặt hàng nước ngoài, vốn từng bị hạn chế khi nước này còn chế độ kinh tế tập trung bao cấp. Và nay sau 2 tháng đóng cửa nền kinh tế vì dịch COVID-19, nhiều chuyên gia nước ngoài tin rằng tình trạng này đang quay trở lại ở Trung Quốc.

Bà Claudia D’Arpizio, chuyên gia của Bain & Co về lĩnh vực hàng xa xỉ nhận định: "Người dân đang tích cực trở lại các cửa hàng dù vẫn chưa thể bằng với mức độ trước đại dịch. Nhưng rõ ràng là đã có xu hướng ‘mua sắm trả thù’ với những người tiêu dùng bị thôi thúc mạnh mẽ. Ở một mức độ nhất định, điều này cũng đã bắt đầu xuất hiện ở châu Âu."

“Mua sắm trả thù”: Cú hích kinh tế hay chỉ là trào lưu nhất thời? - Ảnh 3.

Cửa hàng Tiffany’s tại Hong Kong, Trung Quốc (Nguồn: CNBC)

Nếu điều này là đúng thì theo Bain & Co, đây là cơ hội không thể tốt hơn cho giới kinh doanh đồ xa xỉ vốn phụ thuộc tới 90% doanh thu vào thị trường Trung Quốc. Cũng sau đại dịch, nhiều nhãn hàng đồ xa xỉ như Chanel và LV đã đồng loạt tăng giá từ 4-5%, thậm chí có mặt hàng tăng trên 20%, nhằm bù đắp cho tình trạng thua lỗ trong những ngày cửa hàng đóng cửa. Điều đó vô tình lại càng thôi thúc các "thượng đế" nhanh tay đi mua sắm trước khi các món đồ yêu thích của mình trở nên đắt đỏ hơn.

Trung Quốc vẫn vật lộn kích cầu tiêu dùng

Dù lĩnh vực hàng xa xỉ phần nào được hỗ trợ nhưng nhìn tổng thể, sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn suy yếu mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Một thống kê được tờ South China Morning Post đăng tải cho thấy hơn một nửa số hộ gia đình Trung Quốc được khảo sát có kế hoạch cắt giảm chi tiêu và tăng cường tiết kiệm sau dịch. Trong khi đó, số hộ có ý định tăng cường mua sắm chỉ khoảng 9%. Doanh số bán lẻ trong tháng 3, tháng đầu tiên kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại ở Trung Quốc cũng giảm hơn 15%. Những mặt hàng chủ lực được tiêu thụ vẫn là các sản phẩm thiết yếu như gạo, ngũ cốc hay dầu ăn.

Thậm chí, nhiều người trẻ tại Trung Quốc đã bắt đầu bán đi các món đồ xa xỉ từng mua trước đây để trang trải cuộc sống do đại dịch đã khiến nhiều người bị mất việc, phải tạm nghỉ làm hay  bị giảm lương.

“Mua sắm trả thù”: Cú hích kinh tế hay chỉ là trào lưu nhất thời? - Ảnh 4.

Nhiều người trẻ Trung Quốc quyết định rao bán hàng hiệu trên mạng sau dịch COVID-19 (Nguồn: Reuters)

Trả lời hãng tin Reuters, chị Tang Yue, một giáo viên 27 tuổi sống tại thành phố Quế Lâm - tỉnh Quảng Tây lý giải cho quyết định này của mình: "Dịch COVID-19 vừa rồi là một hồi chuông cảnh tỉnh. Khi tôi nhìn thấy rất nhiều ngành nghề rơi vào khó khăn, tôi nhận ra mình không có đủ nguồn lực tài chính để trang trải nếu biến cố không may nào đó xảy ra."

Thay vì trông chờ người dân "mua sắm trả thù", nhiều địa phương Trung Quốc đã phải áp dụng các biện pháp kích cầu tiêu dùng mạnh tay: phát phiếu mua hàng, tổ chức các sự kiện tiêu dùng như chợ đêm hay ngày mua sắm cuối tuần. Thậm chí các quan chức cũng phải có trách nhiệm ra đường, ăn uống mua sắm để tạo tấm gương cho công chúng.

Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, đã vừa tung ra khoảng 1,8 tỷ USD ưu đãi dưới hình thức phiếu mua hàng trong vòng tháng 5 và tháng 6 cho phép người dân hưởng khuyến mại khi tới trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng hay mua sắm trực tuyến. Chiến dịch tương tự trị giá khoảng 1,7 tỷ USD cũng được thủ đô Bắc Kinh đưa vào thực hiện hồi tuần trước.

“Mua sắm trả thù”: Cú hích kinh tế hay chỉ là trào lưu nhất thời? - Ảnh 5.

Chợ đêm kích cầu mua sắm tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc (Nguồn: Reuters)

Các hoạt động kích cầu tiêu dùng tại Trung Quốc cũng được các công ty tư nhân lớn hưởng ứng nồng nhiệt. Alibaba và Tencent, 2 tập đoàn hàng đầu của nước này trên Internet, đã tài trợ tới hơn 80% tổng giá trị các phiếu mua hàng kích cầu tại thành phố Vũ Hán, nơi từng là tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Nhìn chung, nhiều chuyên gia nhận định ngoài sự phục hồi hậu đại dịch vẫn còn nhiều yếu tố khác chi phối quyết định chi tiêu của người tiêu dùng tại quốc gia tỷ dân này như triển vọng kinh tế yếu và cuộc chiến thương mại với Mỹ nóng trở lại.

Do đó, đừng nên quá trông chờ vào phong trào "mua sắm trả thù" như một động lực phục hồi dài hạn, như lời Jason Yu, giám đốc Kantar Worldpanel khu vực Trung Quốc: "Người dân sẽ chỉ vui vẻ chi tiêu khi cảm thấy an toàn về tương lai và mức thu nhập của mình. Nhưng trong tình trạng kinh tế nhiều nguy cơ suy thoái như hiện nay thì 'mua sắm trả thù' sẽ không phải là bước đi hợp lý với nhiều người hiện nay."

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước