Người mua nào cũng khăng khăng đó là tài sản của mình, còn người bán sau khi thu hai lần tiền thì đã cao chạy xa bay không ai liên lạc được. Câu chuyện sau là hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng trong hệ thống công chứng Việt Nam và niềm tin tuyệt đối của nhiều người vào giá trị pháp lý những tài liệu, văn bản được công chứng.
Trong một bản công chứng chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ dự án khu đô thị Nam Cường từ ông Trương Minh Hải sang ông Lê Quang Khánh, do Văn phòng công chứng 18 Văn Cao thực hiện. Cũng trong 1 văn bản chuyển nhượng đúng tài sản này từ ông Hải sang cho một người khác là ông Nguyễn Tuấn Anh, thực hiện tại Văn phòng công chứng HN 38A Hoàng Ngân. Như vậy có nghĩa, một căn hộ được ông Hải chuyển nhượng cho hai người tại hai phòng công chứng khác nhau. Tại sao người bán có thể làm được vậy?
Anh Lê Quang Khánh nói: “Năm 2011, tôi có mua căn hộ của anh Trương Minh Hải, chúng tôi đến Văn phòng công chứng 18 Văn Cao làm thủ tục chuyển nhượng hợp đồng. Cách đây 1 năm, anh Hải hỏi mượn tôi giấy tờ gốc của căn hộ để thu xếp chuyện gia đình. Tin vào giá trị pháp lý của bản công chứng chuyển nhượng tài sản mình đang giữ nên tôi đã đưa toàn bộ hợp đồng gốc và các phiếu thu cho anh Hải, tuy nhiên đến khi đòi lại thì anh ta không chịu trả. Cách đây mấy tháng tôi đi nộp thuế cho căn hộ này thì cơ quan thuế cho biết căn hộ này đã được chuyển nhượng cho người khác, tìm hiểu thì biết giao dịch chuyển nhượng được thực hiện thông qua 1 văn phòng công chứng khác”.
‘ Ảnh: VTV News
Theo anh Khánh, Văn phòng công chứng 38A Hoàng Ngân có lỗi khi công chứng cho 1 tài sản đã được chuyển nhượng xong. Tuy nhiên, theo Văn phòng công chứng 38A Hoàng Ngân, khi công chứng họ không hề biết tài sản đó đã thuộc sở hữu của anh Khánh.
Ông Lê Quốc Hùng, Văn phòng công chứng HN 38A Hoàng Ngân cho biết: “Khi anh Hải đến có mang đầy đủ giấy tờ gồm: hợp đồng mua bán với chủ đầu tư bản gốc và các phiếu thu, chứng minh thư của anh ấy và vợ anh ấy (bản gốc) nên chúng tôi thấy đầy đủ thủ tục và hợp lệ thì chúng tôi công chứng”.
Được biết, trước khi công chứng 1 giao dịch mua bán bất động sản, các công chứng viên thường tham khảo mạng Uchi, một cơ sở dữ liệu do Sở Tư pháp Hà Nội lập ra rồi kết nối các văn phòng công chứng trên địa bàn với nhau. Mỗi lần công chứng xong 1 giao dịch, các văn phòng công chứng thường cập nhật lên Uchi. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, việc tham khảo và cập nhật này không phải là yêu cầu bắt buộc.
Nhóm phóng viên đem vụ việc này tham khảo ý kiến luật sư để tìm hiểu ai đúng ai sai trong trường hợp này.
Luật sự Đỗ Trọng Hải, GĐ Điều hành công ty Luật Bizlink cho biết: “Theo Luật Văn phòng công chứng, không cần phải biết những gì họ không bắt buộc phải biết, họ chỉ có trách nhiệm công chứng những văn bản đó theo kiểu đúng là ông đó tên đó, mặt đó, giấy tờ bản gốc đó là người bán nhà. Còn ông kia, mặt kia, chứng minh thư kia là người mua, số tiền là bao nhiêu đó”.
Hiện giờ bản gốc giấy tờ nhà đang nằm trong tay người mua thứ hai là ông Nguyễn Tuấn Anh. Còn với người mua thứ nhất, tức là anh Khánh, những gì còn sót lại chỉ là bản công chứng chuyển nhượng hợp đồng.
Ông Hải (tức người bán nhà), sau khi đã nhận tiền của cả hai người mua, vết tích để lại chỉ là bản sao chứng minh thư và một số điện thoại không thể liên lạc được, khối tài sản này hiện đã được chủ đầu tư phong tỏa không giao cho ai. Vụ việc sẽ được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, nhưng trước mắt, những gì có thể nhìn thấy từ câu chuyện này là một khe hở lớn trong hệ thống công chứng nói riêng và luật pháp nói chung. Với khe hở này, các đối tượng xấu hoàn toàn có thể dùng 1 tài sản để bán cho nhiều người mà không ai có thể kiểm soát.
Mời quý vị xem video chi tiết.