Giả mạo hợp đồng công chứng nhà đất gia tăng

Ngọc Dũng-Thứ năm, ngày 21/04/2011 08:30 GMT+7

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ làm giả hợp đồng công chứng tinh vi đối với tài sản nhà đất, có sự tham gia của công chức trong ngành bảo vệ luật pháp và ngân hàng.

Một vụ đánh tráo hợp đồng ủy quyền để bán nhà người khác bị phát hiện.

Nếu không kịp thời phát hiện, điều này sẽ gây hậu quả nặng nề về kinh tế-xã hội, vì các hợp đồng giao dịch nhà đất thường có giá trị rất lớn, làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của các tổ chức công chứng. Bên cạnh những yếu tố khách quan về nghiệp vụ còn non yếu của một số tổ chức công chứng, mô hình hoạt động chưa phù hợp… thì việc thiếu dữ liệu, chưa có tính chia sẻ thông tin là 1 nguyên nhân cơ bản.

Văn phòng Công chứng Ba Đình (Hà Nội) liên tiếp phát hiện những vụ làm giả hợp đồng với con dấu - chữ ký giống hệt đơn vị này. 8 giờ ngày 7/4/2011, một người đến yêu cầu cấp bản sao của bộ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 454 được lập tại Văn phòng công chứng Ba Đình, nhưng sau khi kiểm tra sổ sách lưu trữ và mạng nội bộ, thì hợp đồng ấy chưa được lập bao giờ.

Vậy việc làm giả hợp đồng và con dấu của các đối tượng đối với Văn phòng công chứng Ba Đình là theo tiêu chí nào?

Công chứng viên Đào Anh Dũng, Trưởng VPCC Ba Đình TP.Hà Nội cho rằng: “Chúng tôi không có số 454 này, thứ hai là chữ ký không phải là của công chứng viên Đào Anh Dũng, thứ ba là con dấu do các đối tượng làm giả nên nhìn bằng mắt thường nó sẽ đậm hơn và cái viền không sắc nét”.

Trước đó, hợp đồng mua bán nhà ở 17 phố Hàn Thuyên trị giá trên 55 tỷ đồng cũng bị làm giả chữ ký và con dấu của Văn phòng Công chứng Ba Đình. Hợp đồng lập ngày 29/3/2011, nhưng thực tế người chủ cũ đã bán cho chủ sử dụng hiện tại từ 4 năm trước.

Tại hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp của thành phố Hà Nội sáng 15/4/2011, nhiều ý kiến cho rằng: Văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân do chỉ có 1 Công chứng viên duy nhất, nên chủ quan và bị quá tải, ảnh hưởng đến tính chính xác, khách quan của công việc, tạo điều kiện cho tình trạng làm giả hợp đồng công chứng.

Ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội phát biểu: “Bản thân công chứng viên phải nâng cao tinh thần cảnh giác, trình độ nghiệp vụ cũng như thực hiện tốt quy trình theo Luật Công chứng thì sẽ đảm bảo rằng, những hợp đồng lừa đảo hoặc những hợp đồng có dấu hiệu khả nghi đều bị phát hiện trong thời gian rất nhanh”.

Trong lúc chưa chuyển đổi mô hình hoạt động, chưa có sự kết nối để chia sẻ dữ liệu giữa các Phòng công chứng nhà nước-Văn phòng công chứng và cơ quan chức năng, mỗi đơn vị phải tự tìm lấy cách phòng ngừa.

Theo Luật sư Đặng Hữu Biên, Phó Giám đốc điều hành VPCC Thăng Long (Hà Nội): “Trước khi thực hiện các giao dịch công chứng, chúng tôi có khuyến cáo và có niêm yết ở ngoài nơi giao dịch và trên trang Web để thực hiện các việc nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng”.

Để hạn chế tiêu cực này, ngoài việc nâng cao nghiệp vụ, Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp Hà Nội đang khuyến khích các Văn phòng Công chứng chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp tư nhân sang mô hình Công ty hợp danh và xúc tiến thành lập Hiệp hội công chứng Hà Nội vào tháng 6 tới đây, để kết nối những thông tin cần kiểm tra, ngăn chặn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước