MobiFone tách khỏi Tập đoàn VNPT: Đòi hỏi từ thực tiễn

Nguyễn Sơn-Thứ năm, ngày 30/01/2014 06:52 GMT+7

Cuối tháng 12 năm 2013, Bộ Thông tin & Truyền thông đã chính thức trình Chính phủ Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT. Theo đó, Công ty thông tin di động MobiFone sẽ tách khỏi Tập đoàn VNPT và tổ chức lại thành Tổng công ty MobiFone.

Sau khi tách, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại MobiFone sẽ được chuyển từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là Đề án được thực hiện theo QĐ 929 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu các tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước cũng như quy hoạch ngành Viễn thông mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Lý giải về đề án tách MobiFone ra khỏi tập đoàn VNPT, Bộ TT & TT cho biết, từ lâu, MobiFone đã duy trì tốt mô hình kinh doanh tương đối độc lập. Vì vậy, việc tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn VNPT sẽ đạt được 3 mục tiêu: Đảm bảo tiến độ cổ phần hóa; tạo được thị trường cạnh tranh lành mạnh; tạo điều kiện để tái cơ cấu phần còn lại của VNPT một cách hiệu quả nhất.

Bộ TT & TT xác định trọng tâm của tái cơ cấu VNPT là phải tổ chức lại được phần viễn thông cố định vốn đang gặp nhiều khó khăn.

‘ Ảnh minh họ a

Ông Lê Nam Thắng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Đề án này đã được trình và giải trình đầy đủ và đã đưa ra được các phương án. Đây là một Đề án có sự thống nhất rất cao giữa Bộ TT & TT và Tập đoàn VNPT khi trình Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật như Luật Viễn thông, Luật Cạnh tranh, rồi QĐ 929 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, tổng công ty Nhà nước. Hiện giờ chúng tôi đang chờ đợi quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án này”.

Theo Luật Viễn thông, nếu một tổ chức, cá nhân đã sở hữu một mạng viễn thông thì không được sở hữu quá 20% một mạng viễn thông khác nên việc tách 1 trong 2 mạng: MobiFone hoặc VinaPhone ra khỏi VNPT cũng là đòi hỏi bắt buộc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tách MobiFone ra thì VNPT có điều kiện tốt hơn để tái cơ cấu theo mô hình quản lý hạ tầng và dịch vụ riêng rẽ, giống như Viettel hiện đang tổ chức và hoạt động rất hiệu quả.

Ông Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông phân tích: “Tách ra thì Bộ cũng có nhiều thuận lợi trong vấn đề phát triển MobiFone. Còn đối với Tập đoàn VNPT thì một vài năm đầu về tài chính có thể có những khó khăn vì MobiFone có đóng góp lớn, rất tốt cho VNPT về mặt lợi nhuận trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu Chính phủ quyết định sớm về tái cấu trúc VNPT thì VNPT đã chuẩn bị những phương án sẵn sàng để tổ chức lại sản xuất của mình phát triển mạnh VinaPhone. Tôi cũng tin rằng là VNPT cũng sẽ phát triển tốt trong những năm sắp tới”.

Lãnh đạo Công ty thông tin di động MobiFone cho biết, Đề án tái cơ cấu VNPT là đòi hỏi của thực tiễn. Bởi thị trường viễn thông di động phải hình thành từ 3 - 4 doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định và bền vững.

Ông Mai Văn Bình - Tổng giám đốc Công ty thông tin di động MobiFone, Tập đoàn VNPT khẳng định: “Nếu Đề án đó được phê duyệt thì tôi nghĩ rằng, MobiFone sẽ tận dụng lợi thế của mình xây dựng thành một Tổng công ty mạnh, góp phần vào việc xây dựng ngành thông tin và công nghệ thông tin Việt Nam ngày càng lớn mạnh”.

Doanh thu năm 2013 của VNPT đạt gần 120.000 tỷ đồng với mức tăng trưởng khoảng 3%. Kết quả này là đáng khích lệ trong bối cảnh hiện nay nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Nếu Đề án tái cơ cấu VNPT được phê duyệt, thị trường viễn thông sẽ hình thành 3 doanh nghiệp lớn hoạt động độc lập, cạnh tranh tranh bình đẳng và chắc chắn người sử dụng sẽ được hưởng lợi ích tốt hơn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước