Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn, cao hơn so với mục tiêu Quốc Hội đề ra.
Để phù hợp với chỉ đạo này, Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 16%, cao hơn so với mức tăng 15,08% của năm 2024. Năm nay cũng là năm thứ 2 Ngân hàng Nhà nước giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. Sau đó, nếu ngân hàng nào đạt trên 80% chỉ tiêu thì tự động được tăng thêm hạn mức, như năm 2024, mà không cần phải làm văn bản xin phép Ngân hàng Nhà nước. Cách làm này được nhận định đã tạo thêm sự linh hoạt, chủ động hơn cho các ngân hàng trong việc lập kế hoạch kinh doanh.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng được tính toán dựa trên điểm xếp hạng của mỗi tổ chức, sau đó nhân với hệ số chung cho toàn hệ thống. Như vậy, những ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt, sẽ có hạn mức cao hơn các ngân hàng khác. Đồng thời, dư địa cho vay của ngân hàng đó sẽ nhiều hơn. Đổi lại, họ phải tính toán dòng vốn đổ vào đâu để có thể đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tín dụng.
"Khi ngân hàng có chỉ số điều hành tốt, hệ số theo Thông tư 52 tốt, ngân hàng chuẩn bị nguồn lực tốt, có bài toán huy động tốt, thì không có lý do gì Ngân hàng Nhà nước không cho tăng trưởng. Tôi nghĩ sự tự tin và minh bạch quan trọng hơn sự minh bạch ở trên thị trường nó sẽ tốt hơn rất nhiều", bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực và Giám đốc Điều hành VPBank cho hay.
Trong trường hợp các ngân hàng giải ngân tốt, và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện, Ngân hàng Nhà nước để ngỏ khả năng sẵn sàng mở thêm room tín dụng. Đặc biệt, nhà điều hành sẽ chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng vốn, và các tổ chức tín dụng sẽ không cần gửi văn bản đề nghị như trước kia.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế thông thoáng hơn của năm 2024 để tạo sự chủ động hơn cho các ngân hàng thương mại mà vẫn đảm bảo được 2 mục tiêu. 1 là kiểm soát được lượng tín dụng cung ứng tăng thêm để đảm bảo kiểm soát lạm phát và các chỉ số lạm phát. Số 2 tăng trưởng tín dụng 1 cách hợp lý an toàn, lành mạnh của các ngân hàng để đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra cho việc tăng trưởng kinh tế của năm 2025 này".
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ cơ chế phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng riêng lẻ cho từng tổ chức tín dụng, thay thế bằng phương pháp quản lý chung, hướng đến kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định vĩ mô.
Tháng 1 và tháng 2 tín dụng thường tăng chậm, năm 2024 tới tháng 3 tăng trưởng mới nhích lên. Nguyên nhân 1 phần do tính mùa vụ vào dịp nghỉ Tết, ở 1 khía cạnh khác, các ngân hàng cũng phải tìm cách phân bổ vốn đều ra các tháng, tránh tình trạng "no dồn, đói góp".
Theo khảo sát về xu hướng tín dụng của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, trong năm nay, 3 lĩnh vực là: bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; vay phục vụ nhu cầu đời sống hoặc vay tiêu dùng tiếp tục là 3 lĩnh vực có tỷ lệ cao nhất được chọn là "động lực tăng trưởng tín dụng".
Các tổ chức tín dụng cũng dự báo trong quý 1 năm nay, dư nợ tín dụng toàn ngành có thể tăng 3,4%. Nếu kết quả này đạt được, sẽ cao hơn gấp đôi so với năm 2024. Do đó, phía ngân hàng phải nỗ lực lựa chọn lĩnh vực tốt để cho vay.
Ngân hàng tìm cách đổ vốn vào các động lực tăng trưởng
Sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, xuất nhập khẩu là nhóm được nhiều ngân hàng chú trọng trong việc giải ngân các gói tín dụng đầu năm 2025.
Chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy đã vay vốn, đầu tư thêm dây chuyền công nghệ để gia tăng năng suất.
Cánh tay robot tự động sắp xếp các bao hàng, trước kia doanh nghiệp phải tốn nhiều nhân công mới có thể sắp xếp kho hàng. Từ khi đầu tư hệ thống cánh tay robot thì ở đây chỉ có 2 con robot, nhưng có thể xếp tới 40.000 bao hàng/ngày.
Năng lực sản xuất đã tăng thêm 30%, đơn hàng nhiều hơn, và cũng nhiều ngân hàng tìm đến cho vay hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Giám đốc cấp cao Tài chính khu vực miền Bắc, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cho hay: "Lãi suất tại các tổ chức tín dụng giảm khoảng 1,5% so với năm 2023, số tiền này giúp chúng tôi rất là nhiều, vì dư nợ vay lớn, chi phí tiết kiệm hàng năm của chúng tôi có thể lên đến cả chục tỷ cho hoạt động do việc giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng".
Sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, xuất nhập khẩu là nhóm được nhiều ngân hàng chú trọng. Như tại ngân hàng Agribank, ngay sau khi được nhận chỉ tiêu tăng trưởng, đã quyết định dành 210.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho vay doanh nghiệp trong năm nay, gồm cả ngắn, trung và dài hạn.
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: "Tuỳ vào đối tượng, thời hạn vay, quy mô thì lãi suất của Agribank sẽ giảm đến 1,2- 1,8% so với lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn. Đối với khách hàng cá nhân, chúng tôi cũng đang triển khai 5 chương trình cho vay cũng với chính sách lãi suất ưu đãi như thế về cho vay tiêu dùng, cho vay phát triển sản phẩm OCOP, cho vay tín dụng xanh".
"Chúng ta nhìn vào các động lực tăng trưởng của năm 2025 tới đây thì chúng tôi cũng đang nhìn thấy có những cái sự quay trở lại của đầu tư công, đầu tư tư nhân hay là tiêu dùng là những động lực tăng trưởng mà có vẻ như là đã thiếu vắng trong năm 2024 thì khi các động lực tăng trưởng này quay trở lại nó cũng kéo theo nhu cầu về dòng vốn lớn hơn và qua đó cũng khiến cho tăng trưởng tín dụng sẽ tích cực hơn", bà Hoàng Thị Minh Huyền - Chuyên viên Kinh tế Vĩ mô, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt chia sẻ.
Cũng theo khảo sát của Vụ dự báo Thống kê, các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ không thay đổi hoặc sẽ nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng với nhóm khách hàng doanh nghiệp, dựa trên cơ sở đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô, và các chính sách định hướng của Chính phủ.
Trong Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chính Phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!